Theo thống kê của Tổ chức Ember, trong 10 tháng đầu năm 2023, nhiệt điện than duy trì là nguồn sản xuất điện lớn thứ hai của Hoa Kỳ sau khí đốt tự nhiên và tổng sản lượng điện từ nhiệt điện than vẫn lớn hơn khoảng 60% so với sản lượng điện từ các nguồn năng lượng gió (bao gồm điện gió ngoài khơi). Nhưng với việc các trang trại điện gió được cải tạo và xây dựng mới vẫn tăng nhanh ở hầu hết các khu vực tại Mỹ trong khi các cơ sở tiện ích liên bang liên tục cắt giảm công suất sử dụng điện từ nhiệt điện than thì việc điện gió vượt qua nhiệt điện than trong cơ cấu sản xuất điện của Mỹ là chuyện sớm muộn, điều này sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng của xứ sở cờ hoa.
Các công ty sản xuất điện trên khắp nước Mỹ đang triển khai các dự án năng lượng tái tạo với tốc độ kỷ lục, đồng thời cắt giảm sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than nhằm hạn chế khí thải và làm chậm hơn nữa tình trạng biến đổi khí hậu.
Trang trại điện gió cạnh các cánh đồng ngô rộng lớn ở Latimer, bang Iowa, Mỹ (ảnh Reuters)
|
Báo cáo của Ember cũng chỉ ra rằng, thời điểm năm 2015 - trước khi các nhà sản xuất điện của Mỹ tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo – thì tổng sản lượng nhiệt điện than lớn hơn gần 700% so với sản lượng điện từ các trang trại điện gió của đất nước này. Thế nhưng sau thời điểm đó, Mỹ đã cắt giảm 30% công suất từ nhiệt điện than và tăng công suất điện gió lên hơn 90%, biến năng lượng gió trở thành nguồn sản xuất điện sạch lớn và có quy mô mở rộng nhanh nhất.
Theo Viện Kinh tế và Năng lượng Mỹ, việc cắt giảm sản lượng điện từ nhiệt điện than sẽ tiếp tục trong những năm tới, Viện này cũng tổng hợp báo cáo từ các công ty điện lực tại Mỹ cho thấy tổng công suất nhiệt điện than sẽ giảm xuống còn 159 gigawatt (GW) vào cuối năm 2026, từ mức 318 GW của năm 2011.
Trong cả năm 2023, đã có thời điểm trong tháng 4, sản lượng điện từ điện gió của Mỹ đã vượt qua tổng sản lượng điện từ nhiệt điện than với 42,85 terawatt giờ (TWh) của điện gió so với 39,8 TWh từ các nhà máy nhiệt điện than sản xuất ra trước khi sụt giảm sản lượng vì tình hình thời tiết không thuận lợi do hạn hán kèo dài. Tuy nhiên, thời gian từ tháng 10 đến cuối năm sẽ là khoảng “thời gian vàng” của các trang trại điện gió khi tốc độ gió sẽ tăng lên mạnh mẽ vào thời điểm mùa đông, cho phép các tua-bin gió hoạt động với công suất lớn nhất có thể.
Tất nhiên, tính chất không liên tục của điện gió cũng kéo theo việc các công ty điện lực tại Mỹ phải duy trì hoạt động của một số nhà máy sản xuất điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch để có thể chủ động trong việc điều phối điện cần thiết bất cứ khi nào nguồn cung cấp điện từ năng lượng tái tạo bị sụt giảm.
Nhưng như vậy không có nghĩa nhiệt điện than sẽ còn bám trụ lâu dài, bởi các công ty điện lực tại Mỹ cam kết sử dụng các nhà máy sản xuất điện chạy bằng khí đốt vì ưu thế ít thải ô nhiễm hơn so với các nhà máy nhiệt điện than. Điều đó có nghĩa là ngay trong thập kỷ này, năng lượng điện gió của Mỹ sẽ có thể vượt qua năng lượng nhiệt điện than trong cơ cấu sản xuất điện và giúp hoàn thành mục tiêu chuyển đổi năng lượng lớn của Mỹ trong tương lai.