Sẵn sàng các phương án phòng chống lụt bão năm 2017

Chuẩn bị đối phó với diễn biễn bất thường của thời tiết năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành các nhà máy thủy điện chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống lụt bão, nhằm giảm nhẹ tác động của thiên tai.

Sẵn sàng các phương án

Hiện EVN đang quản lý 37 công trình thủy điện. Trong đó, 35 công trình đã đi vào vận hành, 2 công trình đang trong quá trình xây dựng là Trung Sơn, Sông Bung 2. Mặc dù số lượng công trình thủy điện của EVN không nhiều so với tổng số các nhà máy thủy điện trên cả nước, nhưng lại là những công trình quan trọng, có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng quyết định đối với các vùng hạ lưu. Vì vậy, trong quản lý an toàn hồ đập, phòng chống lụt bão, Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị tuyệt đối tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định về vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. 

Trên cơ sở theo dõi, giám sát diễn biến của thời tiết, tình hình thủy văn, hàng năm, trước mùa mưa bão, EVN đều chỉ đạo các nhà máy thủy điện xây dựng phương án và triển khai kịp thời nhiều giải pháp đồng bộ, từ tăng cường đầu tư thiết bị quan trắc, đo lượng mưa; đầu tư hệ thống cảnh báo; lập kế hoạch vận hành, điều tiết nước theo đúng các quy trình vận hành hồ chứa; thực hiện diễn tập; ký kết quy chế phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức của người dân về phòng tránh, ứng phó khi mưa lũ xảy ra, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của mình. 

Theo ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN, tính đến hết năm 2016, 100% nhà máy thủy điện của EVN có quy trình vận hành hồ chứa đã được Bộ Công Thương phê duyệt; 35/37 hồ có quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, (02 hồ chưa có là Thủy điện Sông Bung 2 và Trung Sơn đang xây dựng, chưa hoàn thành); 33/37 hồ đã lập phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, phương án bảo vệ đập và được Bộ Công Thương hoặc địa phương phê duyệt, 04 hồ đang lập và trình duyệt. Về phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập, có 19 hồ chứa đã được phê duyệt; 18 hồ đã trình phê duyệt.

EVN cũng đã hoàn thành phân loại hồ chứa theo mức độ ưu tiên, hoàn thành xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập Thủy điện Sông Tranh 2 trong tình huống vỡ đập. Các hồ chứa trên bậc thang sông Đà (Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Sơn La, Hoà Bình) đã hoàn thành việc tính toán, báo cáo Chính phủ. Các công trình còn lại, EVN chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan thực hiện tính toán, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập. 

Hệ thống loa cảnh báo lũ của Công ty Thủy điện A Vương

Để phòng chống bão lũ hiệu quả

Theo nhiều chuyên gia, tác động của thiên tai, trong đó có lũ lụt ở hạ du là vô cùng to lớn, rất khó tránh. Ở đây đòi hỏi cả chủ đập thủy điện, chính quyền và người dân địa phương phải làm tốt công tác chuẩn bị phòng, chống và có các giải pháp hiệu quả. 

  EVN: 
- Quản lý 37 công trình thủy điện;
- Tổng dung tích các hồ chứa thủy điện là 44,73 tỷ m3
- Có 11 hồ chứa có dung tích trên 1 tỷ m3 bao gồm: Hòa Bình, Sơn La, Trị An, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, Thác Mơ, Lai Châu, Pleikrông.
   

TS. Nguyễn Lan Châu - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, muốn giảm nhẹ thiên tai trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, cần phải tăng cường đầu tư cho việc quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV) như hệ thống thiết bị quan trắc, thông tin liên lạc, hệ thống xử lý và dự báo phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện an toàn hiệu quả. Nếu làm tốt công tác này sẽ giúp các hồ thủy điện chuẩn bị dung tích phòng lũ trước khi lũ về, đồng thời giúp người dân chuẩn bị ứng phó với các tình huống. 

Ông Đặng Hoàng An – Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, dù các nhà máy thủy điện thực hiện đúng quy trình, đã có quy chế phối hợp với địa phương, nhưng mưa lũ có thể về bất cứ lúc nào, nhiều khi không thể liên lạc được với cơ quan quản lý ở địa phương, dẫn đến việc vận hành điều tiết xả lũ gặp khó khăn. Mặt khác, trong tình hình mưa bão khẩn cấp, giám đốc đơn vị còn phải tập trung chỉ đạo, phòng chống tại hiện trường, nếu hành chính hóa, thực hiện theo đúng quy định phải báo cáo đích danh với Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (Chủ tịch UBND địa phương) trong những điều kiện trên là rất khó khăn. Vì vậy, cần phải linh hoạt trong vấn đề này, vì mục tiêu cao nhất là giảm tối đa tác hại của thiên tai đối với người dân hạ du cũng như công trình.

Tổng giám đốc Công ty CP Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, ông Nguyễn Trọng Oánh cho rằng, bên cạnh việc tăng cường dự báo, đầu tư hệ thống cảnh báo, phối hợp, cần có quy định về bảo vệ hành lang an toàn thoát lũ (hiện đang bị lấn chiếm) một cách chi tiết bao gồm các chế tài quản lý, hướng dẫn thực hiện, tránh xâm phạm, gây cản trở dòng chảy. Nếu không, sẽ tăng nguy cơ lũ lụt trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, trong quy trình vận hành liên hồ và xả lũ khi nhiều thủy điện cùng báo đầy một lúc, phải có qui định cụ thể, hồ nào được phép xả trước và đơn vị nào quyết định việc xả lũ! 

Ngoài ra, cần xem xét, điều chỉnh các phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đã được phê duyệt, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tần suất nước về hồ cũng như chuẩn bị sẵn các tình huống, phương án ứng cứu, sơ tán tương ứng...

Một kinh nghiệm khác trong phòng chống mưa lũ mà Thủy điện Sông Tranh 2 và A Vương đã làm rất tốt, đó là tăng cường tuyên truyền cho người dân. Các đơn vị đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho người dân vùng hạ du bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động, dễ hiểu, cung cấp thông tin như tình hình quan trắc đập, an toàn đập và hồ chứa, đánh giá khả năng xảy ra động đất, phương án phòng chống bão lụt, cách nhận biết ứng phó với thiên tai, động đất. Đồng thời mời người dân đến giám sát quy trình vận hành, điều tiết ngay tại đập thủy điện.

Mặc dù đã có các kịch bản phòng chống lũ lụt, tuy nhiên trước những tác động to lớn khó lường của thiên tai, nhiều người dân quan tâm đến kết quả tính toán, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du trong tình huống vỡ đập. Đó chính là cơ sở để xây dựng kế hoạch ứng phó, chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại đối với đời sống nhân dân, vùng hạ du đập. Tuy nhiên, đây là "bài toán" phức tạp đòi hỏi phải có sự tham gia của cơ quan tư vấn chuyên ngành, có đủ năng lực, kinh nghiệm và cần được thực hiện theo từng bước, có lộ trình ưu tiên phù hợp với tình hình thực tế.  

Để công tác quản lý hồ đập thủy điện hiệu quả, an toàn cho vùng hạ du, các chuyên gia cho rằng, cần sớm rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện chính sách quản lý; làm rõ trách nhiệm giữa các bộ, ngành địa phương, chủ hồ đập, tăng cường đầu tư, ứng dụng KHCN trong công tác dự báo, quan trắc, hệ thống cảnh báo; tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân góp phần giảm nhẹ thiên tai khi mùa mưa bão 2017 đang đến gần. 


  • 12/06/2017 09:26
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 12660