Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024

Là chủ đề hội nghị do Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (đơn vị chủ trì Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam - VESN) tổ chức ngày 10/4, tại Hà Nội.

Tham dự trực tiếp hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Khoa học và Công nghệ (Quốc hội), các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các Sở Công Thương của 63 tỉnh/thành phố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện các hiệp hội, tổ chức quốc tế, khách hàng sử dụng điện và các thành viên Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam - VESN và Cộng đồng giải pháp tiết kiệm điện (ESS).

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Đinh Thế Phúc - Thành viên HĐTV EVN; ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN; ông Lê Ánh Dương - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội.

Hội nghị về sử dụng điện tiết điện và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu tại các Sở Công Thương, các tổng công ty/công ty điện lực khu vực miền Trung và miền Nam.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 và tái khẳng định tại các Hội nghị COP 27 và COP 28 về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh cung cấp điện, bên cạnh nhiều kế hoạch, chiến lược và công việc quan trọng đang được Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đồng bộ triển khai, Bộ Công Thương tiếp tục nhấn mạnh: Tiết kiệm điện và Tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng năng lượng cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc hội nghị

Theo khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta còn rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp là lĩnh vực chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20-30%.

Hiện nay, cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm. Nếu chỉ tính riêng các doanh nghiệp này cùng chung tay thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm thì trung bình có thể sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện. Và nếu tất cả hơn 30 triệu khách hàng sử dụng điện cùng thực hành tiết kiệm điện thì hiệu quả rất lớn. 

"Các đại biểu tham dự Hội nghị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các khách hàng sử dụng điện, thành viên Mạng lưới Tiết kiệm điện hãy cùng nhau đồng lòng, chung tay thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hiệu quả nhất Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường Tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo", ông Trịnh Quốc Vũ kêu gọi.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Thế Hữu chia sẻ về tầm quan trọng của việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Thế Hữu, để góp phần đảm bảo cung cấp điện, bên cạnh những nỗ lực của ngành Điện và công tác tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện trên phạm vi cả nước thì việc thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) được xem là giải pháp thiết thực và hiệu quả. Thực tế, trong hơn 1 thập niên qua, đồng hành với việc chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thì các chương trình DSM, đặc biệt là chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) đã được nghiên cứu và từng bước triển khai hiệu quả tại Việt Nam.

Cụ thể, theo báo cáo của EVN, đã có thời điểm trong tháng 5-6/2023, tổng công suất điều chỉnh giảm được của khách hàng chủ động tham gia chương trình DR là gần 500MW, điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực mất cân bằng cung cầu hệ thống điện.

Trưởng ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang chuẩn bị các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng, trong đó đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện.

EVN đã thành lập Ban chỉ đạo cung ứng điện và tiết kiệm điện toàn quốc do các đồng chí lãnh đạo mỗi đơn vị trực tiếp là trưởng ban; ban hành các văn bản triển khai các chỉ thị 20/CT-TTg, 05/CT-TTg, 05/CT-BCT đến đơn vị cấp 4; tổ chức kiểm tra, giám sát các chương trình DSM (tiết kiệm điện, DR, dịch chuyển phụ tải điện); tổ chức các đoàn công tác báo gồm các lãnh đạo EVN và lãnh đạo các đơn vị thành viên làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương về tình hình cung ứng điện, tiết kiệm điện,...

Trưởng ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng thông tin về các giải pháp đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện của EVN

Tính đến ngày 15/3/2024, các đơn vị điện lực đã ký cam kết sử dụng điện theo biểu đồ phụ tải điện với 13.370 khách hàng; ký kết thoả thuận tham gia điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại với 11.395 khách hàng.

Tại hội nghị, Cộng đồng giải pháp Tiết kiệm điện (Cộng đồng ESS) đã chính thức ra mắt với hơn 20 đơn vị đồng sáng lập. Sự ra đời của Cộng đồng ESS góp phần giải quyết những thách thức trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời hỗ trợ Mạng lưới Tiết kiệm điện thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động đào tạo, tập huấn, tư vấn và tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Các đại biểu dự hội nghị và thành viên Cộng đồng giải pháp Tiết kiệm điện (Cộng đồng ESS) lan tỏa tinh thần chung tay tiết kiệm điện

 


  • 10/04/2024 11:15
  • M.Hương
  • 4586