Sử dụng thiết bị bay không người lái: Quản lý lưới điện hiệu quả

14:17, 08/03/2021

Nhằm đưa công nghệ mới vào quản lý vận hành, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đã sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để kiểm tra, quản lý vận hành trên các tuyến đường dây 220kV, 500kV do công ty quản lý.

Đưa khoa học - công nghệ vào quản lý Là tỉnh cửa ngõ phía Tây Bắc, với địa hình đồi núi cao, trong thời gian qua, nhờ sử dụng thiết bị UVA đã giúp Truyền tải điện Hòa Bình nâng cao công tác quản lý vận hành, giảm nhân công phải đi lên tuyến kiểm tra, kịp thời phát hiện sớm các khiếm khuyết trên hệ thống đường dây truyền tải điện cao thế 220kV - 500kV.

Ông Nguyễn Văn Giang - Giám đốc Truyền tải điện Hòa Bình - cho biết, những năm gần đây, phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới đưa vào phục vụ sản xuất, phù hợp với công tác quản lý vận hành lưới truyền tải điện luôn được nghiên cứu và đẩy mạnh. Theo đó, thực hiện chiến lược ứng dụng và phát triển khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, Truyền tải điện Hòa Bình đã được trang bị 1 thiết bị UAV - Altura zenith ATX8 do Công ty Aerialtronics của Hà Lan sản xuất. Thiết bị UAV là thiết bị bay không người lái, kiểm tra được chi tiết các tổn thương, hư hỏng phần móng, cột, nhìn thấy rõ được các góc cạnh khác nhau của phụ kiện đường dây mà khi kiểm tra bằng mắt thường hoặc máy ảnh nếu không có vị trí đứng thì khó nhìn thấy. Ngoài ra, thiết bị có thể kiểm tra, chụp ảnh các đoạn đường dây nằm khuất đồi, núi, hay trên sông, hồ. Ảnh chụp và video quay có chất lượng rất rõ nét, khoảng cách điều khiển thiết bị có thể xa từ 3 - 5km. Giảm thời gian và sức người.

Truyền tải điện Hòa Bình ứng dụng UAV chụp kiểm tra tuyến đường dây

Theo ông Nguyễn Phúc An - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1, với địa bàn trải rộng tại 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, hệ thống điện truyền tải quốc gia phải đi qua các địa hình đồi núi, sông, suối… phức tạp như các tỉnh phía Tây Bắc, Bắc Trung bộ… Qua sử dụng cho thấy, thiết bị UAV có camera chất lượng cao bay dọc theo đường dây, quay phim và chụp lại hình ảnh rõ nét với độ tin cậy cao, chính xác, kịp thời; phát hiện, xử lý các khiếm khuyết trên đường dây, góp phần ngăn ngừa các sự cố trong quá trình vận hành...

Trước đây, để kiểm tra tình trạng các vị trí cột trên cao, các vị trí vượt thung lũng thì công nhân phải tiếp cận từng vị trí, sau đó tiến hành leo lên cột để kiểm tra. Công việc tốn rất nhiều sức lực của công nhân, nguy cơ mất an toàn do ngã cao, do điện từ trường... nhưng vẫn không đảm bảo kiểm soát hết hiện trạng trụ, phụ kiện trên cột do nhiều thành phần bị che khuất. Khi sử dụng thiết bị UAV, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, thiết bị đã hỗ trợ cho đơn vị quản lý vận hành kiểm tra, ghi hình, chụp hình cận cảnh được các chi tiết phụ kiện trên đường dây rõ ràng bằng camera với độ nét cao cũng như soi kiểm tra phát nhiệt các ống nối, khóa néo dây dẫn; kiểm tra hành lang tuyến. Dữ liệu thu thập được từ thiết bị UAV sẽ được các cán bộ kỹ thuật phân tích kiểm tra và phát hiện sớm các khiếm khuyết, đưa ra định hướng sửa chữa cụ thể.

Có thể thấy, việc sử dụng thiết bị UAV rất phù hợp trong công tác quản lý vận hành lưới truyền tải điện. Thiết bị có thể kiểm tra trong điều kiện các đường dây đang mang điện; tiết kiệm được nhân lực, phương tiện, thời gian; giúp phát hiện sớm các hư hỏng bất thường trên lưới điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động do trèo cao; nâng cao năng suất lao động.

Sử dụng thiết bị UAV góp phần thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia về ứng dụng khoa học - công nghệ 4.0, đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Link gốc


Theo congthuong.vn

Share