Sửa chữa điện live-line: "Cuộc chiến" thầm lặng

Tuyệt đối không làm việc dưới trời mưa; không làm việc vào ban đêm; mỗi công nhân không được thao tác nhiều giờ liên tục trên lưới điện... là một vài trong số những quy định khắt khe khi thực hiện sửa chữa trên đường dây đang mang điện (live-line). Công việc nghe có vẻ không có gì đặc biệt, nhưng...

Nguy hiểm luôn cận kề

Theo chân Đội live-line của Công ty Dịch vụ Điện lực TP.HCM (Tổng công ty Điện lực TP.HCM - EVNHCMC) vào ngày một ngày đầu tháng 8, tôi mới thực sự thấm thía “sức nóng” của công việc này. Đó không chỉ là cường độ làm việc mà còn là áp lực tâm lý khi đối mặt với nguy hiểm cận kề, tai nạn luôn rình rập. 

Vừa quan sát các thành viên trong đội lau sạch từng dụng cụ, phương tiện trước khi lên lưới, anh Nguyễn Văn Lương - Tổ trưởng Tổ live-line, Công ty Dịch vụ Điện lực TP.HCM chia sẻ, nếu sai lầm, cái giá chúng tôi phải trả là quá đắt – tính mạng của bản thân và đồng nghiệp. Làm việc trên lưới điện 22 kV, khi dòng điện vẫn chạy rần rật, chỉ có một cách duy nhất, đó là phải chính xác 100% khi thao tác. “Công nhân live-line không có cơ hội rút kinh nghiệm”, anh Lương khẳng định. 

Đội live-line của EVNHCMC đang vệ sinh thiết bị trước khi lên lưới 

Không chỉ phải làm việc trên cao, xung quanh là dòng điện sống, để đảm bảo an toàn, trong suốt quá trình làm việc, người thợ điện live-line phải trang bị bảo hộ lao động rất nặng nề, vướng víu. Do đó, mỗi công nhân live-line không được phép làm việc trên xe gàu quá một giờ liên tục. Các thành viên trong đội phải thay phiên nhau lên lưới, vừa đảm bảo sức khỏe vừa tạo sự tỉnh táo, sáng suốt trong quá trình làm việc. 

Hiện nay, mặc dù EVNHCMC đã có 10 đội live-line, nhưng để đáp ứng được yêu cầu công việc tại 16 công ty điện lực trực thuộc là thách thức không nhỏ. Bởi theo quy định, để đảm bảo an toàn, sửa chữa điện live-line sẽ không thực hiện vào ban đêm và khi trời mưa. Chính vì vậy, khi thời tiết thuận lợi, các đội live-line luôn phải làm việc hết công suất, đáp ứng khối lượng công việc rất lớn, giảm thời gian mất điện cho khách hàng trên toàn Thành phố.

Tim nóng, đầu lạnh

Gắn bó với đội sửa chữa điện live-line từ những ngày đầu thành lập, anh Lê Xuân Hồng - Đội quản lý sửa chữa lưới điện 2 thuộc Công ty Dịch vụ Điện lực TP.HCM đã trải nghiệm rất nhiều cung bậc cảm xúc khó quên. Anh chia sẻ: “Tất cả những người thợ trong đội live-line đều phải đối mặt và chiến thắng “nỗi sợ hãi” của chính mình. Không ít lần “lạnh gáy” vì những tình huống bất ngờ…, nhưng rồi vẫn luôn bình tĩnh xử lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công việc buộc chúng tôi phải có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”. Khi chiến thắng được bản thân, nhiều anh em lại phải đối diện với sự yếu lòng, thậm chí là cản trở từ “hậu phương”, bởi không người vợ/người mẹ nào muốn chồng/con mình “lao vào hiểm nguy”. 

Đó là chưa kể, là đơn vị tiên phong của Tập đoàn triển khai live-line từ năm 1997, nên thời gian đầu, EVNHCMC cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tiếp thu công nghệ từ nước ngoài, nhưng kết cấu lưới điện Việt Nam lại có đặc điểm riêng, do vậy, những người làm live-line phải tự mày mò, nghiên cứu, áp dụng thí điểm cho phù hợp với lưới điện hiện hành. Ví dụ, thử nghiệm dụng cụ, phương tiện; chọn loại xe nào phù hợp với điều kiện công việc; địa hình và cấu trúc lưới nên mua kèm những loại nào cho kinh tế nhất… Những khó khăn dần cũng qua đi, giờ đây, EVNHCMC đã có đội ngũ chuyên gia và công nhân lành nghề, đủ sức đào tạo, huấn luyện lực lượng công nhân mới.

Có thể nói rằng, mỗi lần làm việc trên lưới đang mang điện là một “cuộc chiến thầm lặng” của những công nhân live-line. Họ đã vượt qua mọi rào cản, nỗ lực từng ngày, dần dần quen việc, giỏi nghề. Sau hơn 20 năm hoạt động, giờ đây, những người thợ live-line của EVNHCMC không chỉ góp phần giữ cho dòng điện ở Thành phố mang tên Bác luôn bừng sáng, mà còn đưa công nghệ này đến với tất cả các công ty điện lực trên cả nước. 

Đội live-line EVNHCMC:

- Thành lập năm 1997, với 12 thành viên. Hiện đã có gần 60 thành viên. 

- Mỗi nhóm công tác có ít nhất 6 người, luân phiên làm việc (2 người thực hiện, 2 người giám sát, 2 người hỗ trợ). 

- Công việc chính: Xử lý sự cố lưới điện; vệ sinh, bảo trì định kỳ; đấu nối mới trạm; sửa chữa, lắp mới thiết bị..., góp phần giảm thiểu số lần mất điện và thời gian mất điện của khách hàng.


  • 03/09/2018 04:31
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 18824