TCBC về buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch đảm bảo cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cao điểm nắng nóng 2023

Ngày 14/5, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương vừa triển khai loạt giải pháp để thực hiện công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo đó, ngày 13/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2023.

Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo EVN đã báo cáo, trình bày về tình hình vận hành hệ thống điện từ đầu năm đến nay và nhận định về tình trạng vận hành trong thời gian sắp tới. Theo đó, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 MW đến 4.900 MW.

Đại diện PVN, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã phát biểu cam kết tạo điều kiện tối đa để cung ứng than, khí cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện cho đất nước. 

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo một số giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới.

Bằng mọi giá không để xảy ra thiếu điện, xem xét xử lý cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm

Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung cấp điện và cung cấp than phục vụ cho phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt và các chỉ đạo của Bộ Công Thương, mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cấp điện cho đất nước. Bằng mọi giá không được để thiếu than, thiếu nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2019 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.

Cùng với việc tích cực, chủ động khắc phục các nguyên nhân khách quan do thời tiết, khí hậu, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp điều hành hiệu quả. Lãnh đạo Bộ sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan.

Khẩn trương đàm phán, huy động nhà máy năng lượng tái tạo đủ điều kiện

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, tập trung mọi nỗ lực trong vận hành hệ thống điện, có giải pháp cấp bách, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống điện quốc gia phải được đảm bảo, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu thiết yếu của đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân.  Đẩy mạnh việc giải tỏa công suất và tính sẵn sàng của các nhà máy điện, khẩn trương khắc phục các sự cố nguồn điện, lưới điện. Tiết kiệm mọi chi phí để phục vụ nhu cầu nhiên liệu sơ cấp phục vụ cho các nhà máy điện.

Khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện đã sẵn sàng phát điện trong đó có các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện; đẩy nhanh việc mua bán điện với các dự án nhập khẩu điện đã ký kết. Bộ trưởng nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán để huy động nguồn năng lượng tái tạo đối với các doanh nghiệp đã đủ điều kiện thời gian qua.

Thực hiện ngay việc phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn ngành, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các khách hàng sử dụng điện lớn cùng chung tay tiết kiệm điện. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đây cần phải được coi là một giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, đẩy mạnh truyền thông hơn nữa về việc tiết kiệm điện, nhất là với các khách hàng sử dụng điện lớn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan cũng cần phải có giải pháp chủ động, linh hoạt, thực hiện nghiêm túc qui định trong khai thác, huy động nguồn nước trong các hồ chứa; đảm bảo sử dụng khai thác thủy điện hiệu quả trong bối cảnh thiếu nước cho thủy điện.

Chủ động nhập khẩu than, nhiên liệu cho sản xuất điện

Đối với Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam: 

Chỉ đạo, đôn đốc khắc phục sự cố và sớm đưa vào vận hành các tổ máy phát điện, đảm bảo vận hành tin cậy, ổn định các nhà máy điện do Tập đoàn quản lý để đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống.

Phối hợp chặt chẽ với EVN và các vị có liên quan về việc cung cấp khí, cung cấp than cho các nhà máy điện theo đúng Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 và hợp đồng mua bán khí, hợp đồng mua bán than đã ký giữa các bên, xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp, tăng cường khai thác, nhập khẩu không để xảy ra việc thiếu khí, thiếu than cho sản xuất điện. 

Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo cung cấp điện, hướng dẫn các đơn vị chuẩn bị phát điện hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khẩn trương đưa vào vận hành.

Bộ Công Thương rất mong các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc tuyên truyền các thông tin liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh điện, vận hành hệ thống điện để người dân, các thành phần kinh tế cùng chung tay trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả./. 

Ngày 13/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 397/CĐ-TTg về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trong đó giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát phương án sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện để có phương án chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng cao điểm nắng nóng; tính toán, đề xuất vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện lớn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bảo đảm cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất phù hợp, bổ sung nước phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho hạ du với ưu tiên trước hết phải bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe của nhân dân, sau đó là phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Văn phòng Bộ Công Thương
Phòng Thông tin truyền thông
Điện thoại: 024.2220 2134
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội