TP. Hồ Chí Minh: Cảnh báo mất an toàn điện do người dân đốt rác

Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, cấp điện liên tục, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.

Đốt rác không kiểm soát – gây mất an toàn điện

Tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận trong thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ người dân đốt rác, đốt giấy vàng mã gần khu vực có đường dây điện đi qua, gây cháy lan vào lưới điện, làm mất điện trên diện rộng.

Đơn cử, ngày 16/2/2023, tại bãi đất trống ven đường Bùi Văn Hòa đối diện Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã xảy ra vụ cháy lớn, nguyên nhân do người dân đốt rác và cỏ vô tình làm cháy đường dây hạ thế khiến hơn 260 hộ dân mất điện. Hay vào ngày 2/2/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều người đi đường tá hỏa khi thấy cột lửa lớn kèm theo khói đen bốc lên nghi ngút trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) do người dân đốt rác dưới gầm cầu Rạch Lăng. Đám cháy đã lan vào phần cáp của điện lực và gây ra mất điện khu vực lân cận.

Đốt rác, lửa cháy cao lan qua cáp điện đường Phạm Văn Đồng (đoạn thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), gây ra mất điện khu vực lân cận

Tương tự, ngày 21/2/2023, tại chân cầu Điện Biên Phủ, (hướng đường Hoàng Sa, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đã xảy ra vụ cháy. Đám cháy đã gây thiệt hại toàn bộ 3 tuyến cáp ngầm được bố trí dọc theo thành cầu Điện Biên Phủ. Đây là tuyến cáp ngầm đi từ trạm Gis Xa Lộ 110kV (quận Bình Thạnh) đến khu vực quận 1, quận 3, cấp điện cho các phụ tải quan trọng của khu vực trung tâm thành phố, trong đó có khu vực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Nguyên nhân vụ cháy được Công an phòng cháy chữa cháy, Công an phường Đa kao, quận 1 và Công ty Điện lực Sài Gòn ghi nhận là do người dân đốt giấy tiền cúng phía trên thành cầu, tàn tro và nhựa của dây nhựa dùng để cột đồ cúng rớt xuống làm cháy lan đến các sợi cáp ngầm, gây cháy lớn.

Ông Lê Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn - cho biết: Các tuyến cáp bị cháy đã hư hỏng nặng và không thể tiếp tục vận hành, Điện lực Sài Gòn đã tạm thời chuyển tải qua nguồn khác để cấp điện lại cho khách hàng. “Tuy nhiên, để khắc phục tuyến cáp bị hư hại là rất phức tạp, đơn vị phải đào để thay đoạn cáp điện ngầm dài khoảng 250 mét, thời gian thi công cũng phải mất nhiều ngày” - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn chia sẻ.

Tăng cường tuyên truyền - xử lí nghiêm người vi phạm

Trước tình hình trên, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình cầu, hầm đường bộ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp gây cản trở giao thông, có nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến mỹ quan và chất lượng công trình cầu.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng vận hành hệ thống điện… Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên cũng đã kiến nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đến các tổ chức, người dân các quy định pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, nhằm ngăn ngừa vi phạm, hạn chế tai nạn và thiệt hại do vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây ra.

Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực tuyên truyền về hành lang an toàn lưới điện, cảnh báo nguy cơ mất an toàn điện do đốt lửa gần khu vực có đường dây điện, gần trạm biến áp.

Đặc biệt, nhằm ngăn ngừa nguy cơ cháy lan trong khu vực hành lang lưới điện, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các công ty điện lực trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương các quận, huyện và TP. Thủ Đức tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn người dân trong khu vực không bỏ rác, vật dụng hay các chất có khả năng cháy trong hành lang bảo vệ an toàn cáp điện ngầm; không đốt lửa (đốt chất thải, rác, chất cháy…) gần công trình điện nhằm ngăn ngừa nguy cơ cháy lan làm hư hỏng công trình điện và ảnh hưởng đến các công trình khác.

"Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, ngành Điện sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình cáp điện ngầm đi chung với hạ tầng giao thông (cầu, hầm, đường bộ…), khẩn trương sửa chữa thay thế các giá đỡ cáp, nắp mương cáp (nếu bị hư hỏng, xuống cấp). Đồng thời, thực hiện dọn dẹp, phát quang, làm sạch hành lang bảo vệ công trình nơi cáp điện ngầm đi qua, để đảm bảo an toàn trong công tác vận hành hệ thống lưới điện, ngăn ngừa cháy nổ và không làm ảnh hưởng đến các kết cấu công trình giao thông mà công trình điện đi chung"- Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong năm 2022 vừa qua, trên toàn quốc đã xảy ra 79 vụ tai nạn điện do người dân vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp làm 30 người chết, 65 người bị thương.

Nguyên nhân chính, do thi công xây dựng, sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị, công trình, nhà ở; câu cá; phương tiện giao thông hoặc bốc dỡ hàng hóa; trèo cột điện, vào trạm điện, bắn pháo sợi kim tuyến hoặc thả diều, đèn trời; chặt, tỉa, mang vác cây và các nguyên nhân khác.

So với năm 2021, số vụ tai nạn giảm 37%, số người chết giảm 41%, số người bị thương giảm 29% nhưng số liệu năm 2022 cho thấy tình hình tai nạn điện vẫn còn nhiều. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn và không vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Link gốc


  • 13/03/2023 10:55
  • Theo Báo Công Thương
  • 4593