Tái cơ cấu EVN phù hợp thị trường điện cạnh tranh

09:57, 22/04/2017

Đó là ý kiến của ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri

PV: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Điện, trong đó, EVN phải đẩy mạnh tái cơ cấu, vậy ông cho biết, EVN sẽ làm gì để thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ?

Ông Đinh Quang Tri: Ngành Điện Việt Nam hiện nay gồm có EVN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Sông Đà... và các nhà đầu tư khác cùng tham gia phát triển hệ thống điện, cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trong đó, EVN là tập đoàn kinh tế nhà nước, giữ vai trò chủ đạo trong ngành Điện thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện. 

Để thực hiện Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó EVN chịu trách nhiệm thực hiện khối lượng công việc chính về sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc. 

EVN hiện đang nắm giữ 100% vốn tại 3 Tổng công ty Phát điện và các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đồng thời nắm giữ 100% vốn tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, 5 Tổng công ty Điện lực, khâu vận hành hệ thống điện và thị trường điện. 

Trên cơ sở Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN đã xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2016-2020, trình Bộ Công Thương thông qua, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. 

EVN dự kiến kế hoạch thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên, tăng cường tính công khai, minh bạch về chi phí của các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị tham gia thị trường điện cụ thể như sau: 

Thứ nhất, EVN sẽ cổ phần hóa 3 Tổng công ty Phát điện (GENCO) trong giai đoạn 2016-2018; trong đó hoàn thành cổ phần hóa GENCO 3 trong năm 2017 và GENCO 1, 2 trong năm 2018. 

Thứ hai, EVN tách bạch chi phí khâu phân phối điện và bán lẻ điện của các Tổng công ty Điện lực. Tập đoàn đã hướng dẫn các Tổng công ty Điện lực triển khai từ năm 2016 và tiếp tục thực hiện trong các năm tới. 

Thứ ba, chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN. Theo đó, EVN xây dựng Đề án chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV, hạch toán độc lập trong EVN, báo cáo Bộ Công Thương năm 2018, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. 

EVN cũng tham gia với Bộ Công Thương trong quá trình phê duyệt hoặc trình duyệt các nội dung liên quan đến triển khai Đề án như đưa các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tham gia thị trường bán buôn điện; cơ chế giá điện phù hợp với các cấp độ phát triển thị trường điện; cơ chế điều tiết giữa các Tổng công ty Điện lực trong thị trường bán buôn; cơ chế giá phân phối điện... 

Ngoài ra, EVN còn sắp xếp bộ máy các tổng công ty phân phối điện, tham gia cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh bắt đầu từ năm 2021 và chính thức từ năm 2023. 

PV: Việc cổ phần hóa các GENCO có gây áp lực thu xếp vốn đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện không, thưa ông? 

Ông Đinh Quang Tri:  EVN hiện đang triển khai thực hiện cổ phần hóa GENCO 1, 2, 3 theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc cổ phần hóa các GENCO sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn. 

Trước tiên, giai đoạn 2016 - 2018 các GENCO tiếp tục trực thuộc EVN và do EVN nắm giữ ít nhất 51% cổ phần; Giai đoạn 2019 - 2020 tiếp tục xem xét thoái vốn nhà nước tại các GENCO xuống dưới mức chi phối và tách khỏi EVN khi có đánh giá kết quả hoạt động sau 2 năm thực hiện cổ phần hóa. 

Hiện nay, tình hình tài chính của các GENCO còn yếu và gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư các dự án nguồn điện. Để có thể thực hiện cổ phần hóa thành công các GENCO và các GENCO sau khi cổ phần hóa chịu trách nhiệm thực hiện các dự án đầu tư nguồn điện mới được giao theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia (QĐ 168/QĐ-TTg ngày 7/2/2017), EVN đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế thực hiện tái cơ cấu, lành mạnh hóa tình hình tài chính trước khi thực hiện. 

Theo đó, Chính phủ cho phép EVN chỉ đạo các GENCO bán bớt hoặc bán hết phần vốn đang đầu tư tại các công ty cổ phần phát điện, đảm bảo tiêu chí nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, giá trị thu về từ bán bớt phần vốn cho phép EVN và các GENCO tăng vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ, làm vốn đối ứng cho đầu tư, phát triển dự án mới đã được Thủ tướng Chính phủ giao. 

Để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư lớn tham gia mua cổ phần các GENCO, EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép khi bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ thực hiện bán trên 50% vốn điều lệ của các GENCO. Trong trường hợp không bán hết số lượng cổ phần chào bán, EVN tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối tại các GENCO và sẽ xem xét thoái vốn xuống dưới mức chi phối (QĐ 168/QĐ-TTg). Sau khi cổ phần hóa, các GENCO tiếp tục tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. 

PV: 5 Tổng công ty Điện lực sẽ hoạt động theo mô hình tổ chức nào, nhằm đảm bảo từng bước tách bạch chi phí phân phối điện và bán lẻ điện, thưa ông? 

Ông Đinh Quang Tri: Theo Quyết định 168, trong giai đoạn 2016-2020, cả 5 Tổng công ty Điện lực tiếp tục duy trì mô hình tổ chức theo hình thức Công ty TNHH MTV do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ; thực hiện tách bạch chi phí phân phối điện và bán lẻ điện của Tổng công ty Điện lực. 

Theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, lĩnh vực quản lý lưới điện phân phối sẽ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; lĩnh vực kinh doanh bán lẻ điện sẽ được cổ phần hóa phù hợp với lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực. 

Hiện nay, 5 Tổng công ty Điện lực đang quản lý cả khâu phân phối và khâu kinh doanh bán lẻ điện. Để thực hiện cổ phần hóa được khâu kinh doanh bán lẻ điện, cần tách bạch về tổ chức giữa khâu kinh doanh bán lẻ điện và khâu quản lý lưới điện phân phối. 

Theo lộ trình phát triển thị trường điện (Quyết định 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), khâu kinh doanh bán lẻ điện sẽ được tách ra khỏi khâu phân phối điện khi triển khai Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, bắt đầu từ năm 2021. Khi đó, các đơn vị kinh doanh bán lẻ điện sẽ cạnh tranh với nhau và với các công ty cổ phần tư nhân khác bán điện cho khách hàng. Như vậy, theo lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện lực, khâu kinh doanh bán lẻ điện sẽ được tách ra và CPH vào giai đoạn sau năm 2020.

Để tạo thuận lợi cho việc CPH khâu kinh doanh bán lẻ điện sau năm 2020, giai đoạn 2016-2020, cùng với việc thực hiện tách bạch chi phí khâu phân phối điện và bán lẻ điện, EVN sẽ từng bước nghiên cứu, sắp xếp, điều chỉnh mô hình tổ chức các bộ phận thực hiện nhiệm vụ phân phối điện và kinh doanh bán lẻ điện của các Tổng công ty Điện lực theo hướng tách bạch về tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ trong suốt giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh. 

Trên cơ sở các bộ phận thực hiện hoạt động phân phối và bán lẻ đã được điều chỉnh theo hướng tách bạch ở cuối giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh, sẽ tách khâu kinh doanh bán lẻ điện tại các tỉnh/thành phố thuộc các Tổng công ty Điện lực giai đoạn sau năm 2020 để CPH; trong đó Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ theo đúng Quyết định 58/2016/QĐ-TTg. 

PV: Xin cảm ơn ông ! 


Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập

Share

EVN và tỉnh Vĩnh Phúc quyết liệt triển khai đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

EVN và tỉnh Vĩnh Phúc quyết liệt triển khai đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

Với tính cấp bách của dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nhân dân ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với EVN quyết liệt triển khai các công việc liên quan nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.


Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam". Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.


EVNHANOI có 2 sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2024

EVNHANOI có 2 sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2024

Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6 được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức sáng 15/1 tại Hà Nội. Trong khuôn khổ diễn đàn, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) có 2 sản phẩm được trao giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2024".


Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ 2025

Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ 2025

Ngày 14/01/2025, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản số 2174-CV/ĐU về việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Ất Tỵ 2025.


Cập nhật tình hình lấy nước đợt 1 cho gieo cấy vụ Đông Xuân đến 16h ngày 14/1

Cập nhật tình hình lấy nước đợt 1 cho gieo cấy vụ Đông Xuân đến 16h ngày 14/1

Đến 16h ngày 14/1, theo báo cáo nhanh của Cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình hình lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2024-2025, tổng diện tích có nước là 119.178 ha/488.615 ha, đạt 24,4%.