Tài liệu sinh hoạt Chi bộ tháng 5/2024

I. TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ TRONG NƯỚC; HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI DNTW

1. Tình hình thời sự, chính trị trong nước:

1.1. Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, chúng nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai đối với Việt Nam.

Với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, dù chính quyền cách mạng còn non trẻ, đời sống Nhân dân còn muôn vàn khó khăn, toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn một lòng, một dạ đoàn kết xung quanh Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhất tề đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm bảo vệ đất nước với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng. Tiếp đó, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của thực dân Pháp, làm nên các chiến thắng vang dội: Việt Bắc thu đông 1947, Biên Giới 1950, tạo bước chuyển cơ bản cho cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn mới - giai đoạn ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, mở các cuộc tấn công và phản công địch. Qua thắng lợi của các chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), Tây Bắc 1952, Thượng Lào 1953, vùng giải phóng của ta được mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố, lực lượng vũ trang cách mạng trưởng thành nhanh chóng; cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương chuyển biến mạnh theo chiều hướng có lợi cho quân và dân ta.

Ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng:

Đợt 1: Từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên hướng Bắc và Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; mở toang cánh cửa cho quân ta tiến xuống vùng lòng chảo và khu trung tâm. Hai tiểu đoàn tinh nhuệ nhất của địch bị tiêu diệt gọn, một tiểu đoàn khác và 3 đại đội ngụy Thái tan rã.

Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/l954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm. Ta đã tiêu diệt khoảng 5.000 tên địch, trong số đó gồm 4 tiểu đoàn và 9 đại đội (chiếm khoảng ½ tổng số quân địch ở phân khu Bắc và phân khu trung tâm); khống chế được phần lớn điểm cao phía đông, phát triển trận địa tới sát sân bay, thắt chặt vòng vây, chia cắt, khống chế các khu vực còn lại trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.

Đợt 3: Từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông, diệt một số cứ điểm phía Tây và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ ngày 06/5/1954, pháo binh và hỏa tiễn của ta bắn dữ dội vào các cứ điểm địch, mở đường cho bộ binh tiến công. Tại khu đồi A1, sau khi cho nổ 1 tấn bộc phá tiêu diệt hầm ngầm địch, bộ đội ta chia làm nhiều mũi, theo các đường hào đánh lên đỉnh đồi. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 22 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống nhiều quân địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Tiếp nối Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Trong gần 40 năm đổi mới, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố, nâng cao.“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Ngày nay, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp Nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc, coi trọng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với các nước trên thế giới, tạo thế đan xen có lợi trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng phương pháp hòa bình; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với nước khác.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp chúng ta thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi sóng gió đi đến bến bờ vinh quang. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

1.2. Những thành tựu lý luận lớn của Đảng qua gần 40 năm đổi mới

Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được phát triển và hoàn thiện. Công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986 đến nay đã thu được những thắng lợi, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đưa đất nước ta từ một nước nghèo trên thế giới trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Đất nước ta được xây dựng ngày càng đàng hoàng hơn, đời sống của Nhân dân ta ngày càng được cải thiện căn bản, toàn diện hơn, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Có được những thành tựu to lớn, đáng tự hào đó, là do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là do Đảng ta đã kiên định vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam; thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam cho phù hợp với thực tiễn phát triển của từng thời kỳ, dẫn dắt dân tộc ta vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Từ thực tế xây dựng, phát triển đất nước và quá trình nhận thức lý luận của Đảng ta qua gần 40 năm đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường XHCN, có thể tổng kết những thành tựu lý luận lớn của Đảng ta với những nội dung chính yếu sau:

Một là, xác định, bổ sung, định hình ngày càng rõ hơn nội dung các đặc trưng của CNXH Việt Nam trên cơ sở nhận thức đúng đắn về thời kỳ quá độ lên CNXH trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Hai là, Đảng ta đã tiến hành đổi mới tư duy, vận dụng sáng tạo lý luận CNXH khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới, xác lập mục tiêu phát triển trong xây dựng CNXH.

Ba là, tổng kết, kế thừa, làm rõ phương hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Bốn là, phát hiện và xác định các mối quan hệ lớn cần giải quyết trong quá trình thực hiện các phương hướng xây dựng, phát triển đất nước.

Năm là, hình thành khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là sự đổi mới căn bản nhận thức, sự đột phá trong tư duy lý luận và thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng CNXH ở nước ta.

Sáu là, nhận thức ngày càng toàn diện hơn, sâu sắc hơn về động lực và nguồn lực xây dựng CNXH mang bản sắc Việt Nam, đặc biệt là đề cao vai trò của văn hóa với tư cách là sức mạnh nội sinh, xung lực quan trọng của quá trình phát triển đất nước.

Bảy là, tập trung xác lập mục tiêu, hệ giá trị nhân văn của CNXH Việt Nam trong bối cảnh mới; xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước phát triển.

Tám là, phát triển lý luận về quốc gia - dân tộc hiện đại và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp hơn trong giai đoạn phát triển mới.

Chín là, lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân ngày càng được củng cố, phát triển nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, tăng cường thực hành dân chủ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Mười là, phát triển hơn nữa lý luận về vai trò, sứ mệnh của Đảng, đặc biệt là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Những thành tựu phát triển lý luận lớn của Đảng trong gần 40 năm đổi mới thể hiện sự kiên định mục tiêu xây dựng CNXH, sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam; có vai trò, ý nghĩa quyết định đối với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta trong gần 40 năm qua. Đây cũng sẽ là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng giúp cho Đảng ta hoạch định đường lối, chủ trương xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

1.3. Một số điểm sáng về kinh tế - xã hội nước ta quý I/2024

Trong những tháng đầu năm 2024, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được một số kết quả mục tiêu quan trọng của kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024. Trong đó, có một số điểm sáng về kinh tế - xã hội, cụ thể là:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức kế hoạch, tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trở lại đây. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66%, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%.

Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực. Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ, hướng đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Quý I/2024, vốn đầu tư ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 13,9% kế hoạch vốn năm 2024, tăng 3,7% so với quý I/2023.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục cho thấy tín hiệu tích cực. Tính đến ngày 20/03/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá khởi sắc. Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xuất siêu 8,08 tỷ USD, chiếm khoảng 8,7% kim ngạch xuất khẩu.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Bình quân quý I/2024, CPI ước tính tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục.

Thu ngân sách nhà nước đạt khá ở hầu hết các khoản thu, bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I/2024 đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán năm và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 393,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% dự toán năm và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng cả về số doanh nghiệp và tổng số vốn. Tính chung quý I/2024, có 36.244 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 332.175 tỷ đồng, tăng 6,9% về số doanh nghiệp, tăng 7% về vốn đăng ký. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2024 cũng có 73.978 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 72,1%).   

Lao động, việc làm trong quý I/2024 đã quay trở lại xu hướng phát triển bình thường như những năm trước dịch Covid-19; công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.

So với cùng kỳ năm trước, lao động có việc làm quý I/2024 ước tăng 174,1 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước giảm 0,01 điểm phần trăm; thu nhập bình quân của lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 549 nghìn đồng.

Tính đến ngày 19/3/2024, tổng số tiền hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là 8,1 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 2,4 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 9,2 nghìn tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 27,1 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng.

2. Điểm một số hoạt động của Đảng ủy Khối DNTW

2.1. Ngày 26/4, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 15 (mở rộng). Dự Hội nghị, có các đồng chí: Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương và các đồng chí đại diện các ban Xây dựng Đảng Trung ương.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, quý I/2024, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và các cấp ủy trong Đảng bộ Khối đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị. Trong đó, thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, quy định của Trung ương; tổ chức tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối đề nghị các cấp ủy trong quý II tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tiếp tục rà soát, kiện toàn cán bộ các đảng ủy trực thuộc nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ 2025-2030. Tập trung kiện toàn cấp ủy Khối và cấp ủy các đảng ủy trực thuộc đảm bảo số lượng, cơ cấu theo quy định; quán triệt và thực hiện các văn bản mới của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phối hợp triển khai hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ…

Đồng chí cũng yêu cầu các cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đảng uỷ doanh nghiệp tiếp tục bám sát các bộ, ngành chủ quản khẩn trương hoàn thiện, bổ sung Đề án cơ cấu lại theo yêu cầu. Quyết liệt triển khai thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp theo mục tiêu, tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Lãnh đạo, chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh thi công các công trình, dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng nhằm hoàn thành kế hoạch đầu tư năm 2024 đề ra, nhất là các công trình trọng điểm cấp nhà nước...

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; dự thảo Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 204-NQ/ĐUK ngày 9/11/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới”.

Cũng tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã thực hiện các nội dung công tác cán bộ. Bầu bổ sung Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối, nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn theo quy định của Đảng.

2.2. Ngày 25/4, tại Hà Nội, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ tháng 4/2024. Đồng chí Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến vào Tờ trình về việc kiện toàn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy viên Ủy Ban Kiểm tra các đảng uỷ trực thuộc, nhiệm kỳ 2020-2025; Tờ trình về việc điều chỉnh số lượng, cơ cấu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các đảng uỷ trực thuộc, nhiệm kỳ 2020-2025; Tờ trình về nhân sự điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên; bổ nhiệm ngạch kiểm tra viên cao cấp đối với cán bộ, công chức một số đảng uỷ trực thuộc; Tờ trình về việc kết luận tiêu chuẩn chính trị cho cán bộ bổ sung Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Khối, nhiệm kỳ 2022-2027; Tờ trình về việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước năm 2023; Tờ trình về việc dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” và các nội dung khác.

II. TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN VÀ ĐƠN VỊ

1. Ngày 11/4, tại Hà Nội, Đảng ủy Tập đoàn tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ để thảo luận và quyết định một số nội dung quan trọng. Tại Hội nghị, đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy đã triển khai Kế hoạch học tập, quán triệt Chuyên đề năm 2024 với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam và văn hóa doanh nghiệp”.

2. Ngày 04/4, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã công bố quyết định thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho Đảng ủy Tổng công ty Phát điện 1. Đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy EVN yêu cầu, Đảng ủy EVNGENCO1 và các cấp ủy trực thuộc Đảng ủy Tổng công ty Phát điện 1 cần nhanh chóng ổn định công tác tổ chức, kiện toàn cấp ủy và phân công nhiệm vụ trong cấp ủy; thực hiện đúng, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức đảng được thí điểm giao quyền theo quy định của Trung ương và của Đảng ủy EVN; trong thời gian tới, Đảng ủy EVNGENCO1 cần tiếp tục nâng cao vai trò của cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các hoạt động của Tổng công ty, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, đưa Tổng công ty trở thành lá cờ đầu trong khối phát điện nói riêng và trong Tập đoàn nói chung.

3. Thời gian vừa qua, công tác đăng tải thông tin, bài viết trên trang MXH ”Dấu Son” của Đảng ủy Khối cũng đã được Đảng ủy Tập đoàn nghiêm túc và tích cực triển khai. Trong Quý I, tổng cộng đã có hơn 20 bài viết trong lĩnh vực điện lực được phê duyệt và đăng tải trên trang Dấu son về các thông tin về hoạt động của EVN và các thông tin giải thích, làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm đến ngành điện đã góp phần đấu tranh những thông tin tiêu cực, sai sự thật về hoạt động của Tập đoàn; cũng thông qua đó đã góp phần nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu hơn từ dư luận. Mặt khác, trong quý I, EVN đã có tổng cộng 24 bài viết trên trang web EVN và 37 bài đăng trên trang MXH các nền tảng Facebook, Youtube, Tiktok của EVN với tổng cộng khoảng gần 660.000 lượt xem/ tiếp cận.

III. TIN THAM KHẢO

1. Ngày 12/4, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Điện lực Việt Nam đã có buổi làm việc đánh giá về tiến độ, hiệu quả, động viên và khen thưởng các đơn vị thi công trên công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối sau 42 ngày phát động phong trào thi đua cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với chủ đề "5 Nhất", gồm: Tiến độ nhanh nhất; Chất lượng tốt nhất; An toàn - Tiết kiệm nhất; Sáng tạo nhất; Chăm lo đời sống tốt nhất.

2. Ngày 13/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2024. Tại Lễ trao Giải, 3 đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 4 sản phẩm được vinh danh tại lĩnh vực: Tài nguyên, năng lượng, bao gồm:  Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) giành 02 giải Sao Khuê với 02 sản phẩm: Hệ thống Module Quản lý kỹ thuật hệ thống thông tin của EVN; Hệ thống thông tin quản lý, thu thập và khai thác dữ liệu đo đếm ranh giới đầu nguồn của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (MDMS EVN). Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội với sản phẩm “Quản trị nhân sự và chi trả lương tập trung tại EVNHANOI”; Tổng công ty Điện lực miền Bắc với sản phẩm "Phần mềm Quản lý máy biến áp".

3. Chủ trì cuộc họp giao ban kiểm điểm tiến độ và tình hình thực hiện Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối (Dự án), chiều 23/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (Ban chỉ đạo) đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan, chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tập trung mọi nguồn lực để triển khai Dự án đúng tiến độ. Bộ trưởng nhận định, hiện Dự án vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là việc bàn giao mặt bằng hành lang tuyến đã không thể hoàn thành trước ngày 15/4/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Đến nay, toàn tuyến mới bàn giao được 306/503 khoảng néo, đạt khoảng 61%, tăng 54 khoảng néo (10,73%) so với cuộc họp giao ban ngày 09/4/2024; còn 197/503 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng; Bên cạnh đó, một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ so với hợp đồng; công tác thi công gặp nhiều khó khăn do địa hình, địa chất phức tạp, mặt bằng thi công chật hẹp, đường vào thi công nhỏ khó vận chuyển vật tư, thiết bị nặng. Những khó khăn, vướng mắc nêu trên nếu không kịp thời xử lý dứt điểm sẽ có nguy cơ làm chậm tiến độ hoàn thành các dự án, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các bộ, ngành sớm có ý kiến thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong tháng 4/2024 để chủ đầu tư có đủ căn cứ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

UBND các tỉnh các có dự án đi qua tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các sở ngành, các huyện, thị xã có dự án đi qua tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao các khoảng néo còn lại để chủ đầu tư thực hiện công tác rải, kéo dây (dự kiến bắt đầu từ ngày 26/04/2024). Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã phê duyệt phương án bồi thường phần mặt bằng móng cột và hàng lang an toàn trong tháng 4/2024 để chủ đầu tư hoàn tất công tác bồi thường. Đồng thời, khẩn trương xác định số nhà/hộ dân phải di dời tái định cư để thực hiện các thủ tục tái định cư cho các hộ dân, đảm bảo di dời các hộ dân xong trước ngày 15/6/2024 để đóng điện công trình vào cuối thàng 6/2024,..

4. Ngày 23/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 – 2023). Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) đã xuất sắc giành giải Nhì và Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) đã giành giải Ba trong số 84 công trình được Ban tổ chức vinh danh tại Hội thi. Cụ thể, giải pháp của Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) là: “Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát hiện các nguy cơ mất an toàn lưới điện từ hình ảnh/video thu thập của Drone/UAV từ nhiệm vụ bay”, do ThS. Phan Văn Vĩnh và cộng sự thực hiện, đã đạt giải Nhì tại lĩnh vực Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông; Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) với giải pháp: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống phân tích cảnh báo bất thường trên hệ thống điện”, do ThS. Trương Minh Tú và cộng sự thực hiện đã đạt giải Ba tại lĩnh vực Vật liệu – Hóa chất – Năng lượng.

 5. Tiếp tục cảnh báo cuộc gọi mạo danh nhân viên điện lực với mục đích lừa đảo khách hàng.

Trong tháng 4, nhiều đơn vị trong Tập đoàn đã nhận được phản ánh của khách hàng về việc có nhiều số điện thoại lạ, giả danh nhân viên điện lực với mục đích lừa đảo, làm ảnh hưởng đến uy tín ngành Điện như EVNNPC, Điện lực Đồng Nai. "Chiêu thức" phổ biến của các đối tượng khi tiếp cận khách hàng là mạo danh Điện lực, đưa ra đề nghị “hấp dẫn” về việc hoàn tiền, trả tiền điện thừa; yêu cầu khách hàng gửi thông tin hóa đơn (có chứa thông tin cá nhân); tiếp đó yêu cầu khách hàng cung cấp số tài khoản, cài app để thực hiện các thao tác khác. Trước những hiện tượng đó, Tập đoàn tiếp tục yêu cầu các cán bộ đảng viên tuyên truyền tới cộng đồng, gia đình, người thân về các thủ đoạn của đối tượng xấu, báo ngay cho bộ phận có chức năng nếu phát hiện ra các hành vi lừa đảo gây ảnh hưởng tới uy tín của Tập đoàn và đơn vị.

IV. VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI CỦA TRUNG ƯƠNG, ĐẢNG ỦY KHỐI DNTW VÀ ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN

1. Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo. Nội dung Công điện Tại đây (1).

2. Công văn số 2122/EVN-KTSX, ngày 19/4/2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam của yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/04/2024 và của Bộ Công Thương về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm ngập mặn. Theo đó, EVN yêu cầu các tổng công ty phát điện, các đơn vị thủy điện trực thuộc tiếp tục làm việc, đề nghị các địa phương, các sở, ban, ngành liên quan lập kế hoạch sử dụng nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong thời gian còn lại của mùa khô đầu năm 2024 theo hướng tiết kiệm nguồn nước. Lập kế hoạch vận hành các nhà máy thủy điện cấp nước hạ du, hiệu quả, tiết kiệm để dự trữ nguồn nước nhằm ứng phó với tình hình thiên tai, hạn hán, đảm bảo khả năng huy động đáp ứng nhu cầu của hệ thống điện trong những tháng cao điểm nắng nóng. Đồng thời, theo dõi, cập nhật thường xuyên về dự báo thủy văn, thực tế nguồn nước các hồ chứa, kịp thời có những điều chỉnh cho phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phối hợp chặt chẽ với các nhà máy thủy điện, thường xuyên cập nhật về nhu cầu dùng nước hạ du, vận hành linh hoạt các nhà máy thủy điện đảm bảo các yêu cầu về cấp nước hạ du với mục tiêu tiết kiệm tối đa nguồn nước; theo dõi sát tình hình dự báo, thực tế nguồn nước các hồ chứa thủy điện, tình hình vận hành của hệ thống để kịp thời có những điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định của hệ thống điện.

Các tổng công ty điện lực chủ động báo cáo, cung cấp thông tin đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tình hình cung ứng điện và các giải pháp cần thực hiện. Phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kế hoạch cung ứng điện năm 2024, những khó khăn trong việc cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là khu vực miền Bắc để nhân dân và doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với ngành Điện, thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả.

3. Quyết định số 924/QĐ-BCT, ngày 19/4 của Bộ Công Thương về việc Phê duyệt điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4,5,6) trong năm 2024.

Bộ Công Thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố cập nhật Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô và cả năm 2024 cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện; Hàng tháng (đặc biệt là giai đoạn cao điểm mùa khô), thực hiện rà soát, cập nhật số liệu, thực hiện tính toán cập nhật Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cho các tháng còn lại trong năm 2024. Trong trường hợp có biến động lớn về phụ tải hay nguồn điện, báo cáo Bộ Công Thương để có điều chỉnh phù hợp.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các đơn vị phát điện, phân phối thuộc phạm vi quản lý quán triệt kỷ luật vận hành, thực hiện mọi biện pháp và sẵn sàng mọi điều kiện cao nhất để đảm bảo điện năm 2024, đặc biệt là cao điểm mùa khô.

Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc tăng cường phối hợp với EVN, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) đầy đủ, liên tục và ổn định cho nhu cầu phát điện và thực hiện nghiêm cam kết tại hợp đồng/thỏa thuận thương mại, cung cấp nhiên liệu đã ký kết.

Chủ đầu tư các nhà máy điện chủ động đàm phát với các đơn vị cung cấp nhiên liệu thống nhất kế hoạch cung cấp nhiên liệu (có tính toán dự phòng cao nhất cho mùa khô) để đảm bảo đáp ứng đủ, liên tục và ổn định nhiên liệu cho sản xuất điện, phù hợp với kế hoạch huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia; tăng cường công tác kiểm tra, củng cố các thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết, đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, khả năng phát điện của các tổ máy; tuyệt đối không để xảy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường phối hợp với các tổng công ty điện lực, công ty điện lực tại địa phương để tăng cường tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 20/2023/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp sau; tổ chức giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện tại địa phương.

4. Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 26/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Kế hoạch đưa ra mục tiêu, phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao. Góp phần chính trong nhiệm vụ bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân với giá điện hợp lý, đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn.

Chính phủ giao EVN chỉ đạo công tác vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, hiệu quả, đúng quy định, đảm bảo an ninh cung cấp điện. Thực hiện nhiệm vụ chính trị giữ vai trò chính trong bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Đầu tư phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện được giao theo Quy hoạch phát triển điện lực và các khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư, nhất là các công trình quan trọng, trọng điểm, cấp bách như Dự án đường dây 500kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); xây dựng lưới điện thông minh, hiệu quả đồng bộ với nguồn điện và cung cấp điện cho phụ tải. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình điện.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao về đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển và vận hành thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam theo các cấp độ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; sớm triển khai và thúc đẩy vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Thực hiện đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao từ khâu truyền tải tới khâu phân phối. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân khoảng 7%/năm.

Quyết định cũng nêu kế hoạch triển khai các lĩnh vực cụ thể, bao gồm: Cung ứng điện; đầu tư phát triển nguồn điện; đầu tư phát triển lưới điện; đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo.

Lĩnh vực cung ứng điện: Đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7%/năm (trong đó, giai đoạn năm 2022 - 2025 tăng khoảng 7,82%/năm). Chuẩn bị phương án để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao hơn.

Lĩnh vực đầu tư phát triển nguồn điện: Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643MW và 150MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I, Thủy điện Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bác Ái và Điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Đưa vào vận hành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 840MW và 150MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng và Điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm để đưa vào phát điện 6 dự án trong giai đoạn 2026 - 2030 với tổng công suất khoảng 5.803MW gồm: Nhiệt điện Quảng Trạch I, Thủy điện Trị An MR; Nhiệt điện Dung Quất I&III, LNG Quảng Trạch II, Thủy điện tích năng Bắc Ái.

Triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư mở rộng các nhà máy thuỷ điện hiện hữu, các nhà máy thủy điện tích năng và các dự án nguồn điện sử dụng khí hoá lỏng theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi, mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu còn lại (Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát), nhà máy thủy điện cột nước thấp… để có đủ cơ sở báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận đưa vào Quy hoạch/Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Lĩnh vực đầu tư phát triển lưới điện: Đầu tư các công trình lưới điện 500 - 220kV được giao trong Quy hoạch điện VIII. Hoàn thành đưa vào vận hành 225 công trình lưới điện truyền tải 500 - 220kV với tổng chiều dài khoảng 10.500km và tổng dung lượng khoảng 63.000MVA; trong đó tập trung hoàn thành công trình trọng điểm Dự án đường dây 500kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong năm 2024.

Lĩnh vực đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo: Triển khai đầu tư các dự án cấp điện nông thôn tại các địa phương được giao trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp mục tiêu Chương trình và khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục bố trí các nguồn vốn để cải tạo, mở rộng lưới điện hiện hữu, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng, đáp ứng yêu cầu sử dụng điện của người dân và các doanh nghiệp.

Các chỉ tiêu chủ yếu trong sản xuất kinh doanh 5 năm 2021-2025 của EVN:

- Điện sản xuất và mua: 1.404.891 triệu kWh

- Điện thương phẩm: 1.288.064kWh

- Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối: Phấn đấu giảm còn 6% vào năm 2025...

Xem file Tại đây


  • 02/05/2024 02:15
  • Ban Truyền Thông EVN
  • 6822