Ngày 19/9, tại TP HCM, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững 2024” với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero”. Đây là sự kiện thuộc chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh thường niên do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Sự kiện có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).
Tại đây, các diễn giả cùng khách tham dự đã trao đổi về những chính sách, kết quả mới nhất trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và bàn bạc tháo gỡ những nút thắt tiếp theo trong tiến trình chuyển đổi để phát triển bền vững.
Việt Nam hiện đang nỗ lực thực hiện nhiều hành động nhằm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Để tiến tới mục tiêu này, Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp và chính sách liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường. Những hành động này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Hà Nội, Việt Nam là quốc gia có mức độ phát thải CO2/tăng trưởng GDP cao trong khu vực châu Á. Để đạt cam kết đạt mức 0% vào năm 2050, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh để giảm lượng carbon khoảng 78%.
Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và nhiều chính sách để thực thi chiến lược này. Trong đó, có quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu… Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi xanh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang thực hành ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị), hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, để tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh thì Chính phủ và doanh nghiệp cần có những hành động mới. Trong đó, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, chuyên gia cần hoàn thiện khung chính sách về khử carbon; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh; thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh…
"Doanh nghiệp cần hành động và việc thực hành ESG để hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh. Bởi ESG là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững (PTBV) và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Công bố các chỉ số và các thông tin về PTBV được xem là một trong những yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các doanh nghiệp. Còn khung ESG được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá hiệu suất của một tổ chức dựa trên các tiêu chí cụ thể”, TS Nguyễn Quốc Việt nói.
Cũng tại chương trình, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng chia sẻ những thông tin về nguồn vốn phục vụ các dự án xanh, phát triển bền vững; những cơ hội để doanh nghiệp có thể huy động vốn cho mục tiêu tăng trưởng phát thải thấp; thông tin về nhu cầu mua - bán, giá cả, hình thức thanh toán, cách hợp tác và góp ý cho việc xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam,...
Link gốc
Theo petrotimes.vn
Share