Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến ngày 18/6/2018, cả nước đã có 100 dự án điện mặt trời quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia. Riêng dự án điện mặt trời lắp mái là khoảng gần 750 dự án với tổng công suất 11,55 MWp. Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng, quy định hiện hành về khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời vẫn còn gặp một số vướng mắc về quy trình đấu nối; mâu thuẫn với quy định về thuế trong việc bán lại sản lượng điện dư của các dự án điện mặt trời áp mái...
Gỡ vướng cho vấn đề này, tại Dự thảo Quyết định đề xuất phát triển các dự án điện mặt trời nối lưới với 3 hình thức. Một là, phát triển các dự án điện mặt trời nối lưới được thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực. Hai là, các dự án điện mặt trời nối lưới công suất trên 50 MWp chưa có trong Quy hoạch phát triển điện lực phải được thực hiện thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực. Ba là, Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực các dự án điện mặt trời có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 50 MWp chưa có trong Quy hoạch phát triển điện lực.
Tháo gỡ vướng mắc về đấu nối dự án điện mặt trời vào hệ thống điện, Dự thảo Quyết định nêu rõ, bên bán điện chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành và bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp tăng áp (nếu có) từ nhà máy điện của bên bán điện tới điểm đấu nối với lưới điện của bên mua điện.
Điểm đấu nối do bên bán điện và bên mua điện thỏa thuận theo nguyên tắc là điểm đấu nối gần nhất vào lưới điện hiện có của bên mua điện, đảm bảo truyền tải công suất nhà máy điện của bên bán điện, phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực được duyệt. Trường hợp điểm đấu nối khác với điểm đặt thiết bị đo đếm, bên bán điện chịu phần tổn thất điện năng trên đường dây đấu nối và tổn thất máy biến áp tăng áp của nhà máy.
Biểu giá hấp dẫn
Đặc biệt, khuyến khích đầu tư vào các dự án điện mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt, thúc đẩy sản xuất, tại Dự thảo Quyết định, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến ngày 30/6/2020.
Cụ thể, mức giá điện mặt trời vùng 1 đối với dự án điện mặt trời nổi, dự án điện mặt trời mặt đất và dự án điện mặt trời mái nhà (mô hình hộ kinh doanh bán điện và hộ tiêu thụ điện) dao động từ 9,18 - 9,85 UScent/kWh/h (tương đương từ 2.095 - 2.448 đồng/kWh); vùng II từ 7,89 - 8,47 UScent/kWh (tương đương từ 1.802 - 1.933 đồng/kWh; vùng III từ 6,94 - 8,99 UScent/kWh (tương đương 1.697 - 2.052 đồng/kWh). Biểu giá này sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần trong giai đoạn từ 1/7/2020 đến ngày 30/6/2021.
Với biểu giá điện đề xuất, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, biểu giá này rất khuyến khích các nhà đầu tư, bởi so với nhiều nước trên thế giới thì đây là mức giá đề xuất hấp dẫn. Ở các nước phát triển thì mức giá trung bình khoảng 5 - 7 UScent/kWh... Ông Ngãi cho rằng, việc tiếp tục xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư dự án điện mặt trời là rất cần thiết trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch hay thủy điện ngày càng cạn kiệt.
Theo kế hoạch, Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019. Trước đó (năm 2017), nhằm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời ở Việt Nam, trong đó có ưu đãi về vốn và thuế; ưu đãi về đất cũng như giá bán điện (9,35 UScents/kWh). Chính cơ chế này đã tạo nên một “làn sóng” đầu tư vào các dự án điện mặt trời trong thời gian qua.