100% số xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có điện
Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu) vào một ngày đầu tháng 8. Dù không phải là ngày cuối tuần, nhưng lưu lượng xe cộ và người qua lại cửa khẩu vẫn rất tấp nập. Ông Lê Văn Đàm - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài cho biết, đây là một trong những cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Lưu lượng khách xuất nhập cảnh lên tới 5.000 - 7.000 người/ngày và khoảng 300-500 lượt phương tiện/ngày vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, việc đảm bảo đủ điện cho vận hành hệ thống thiết bị ở khu vực cửa khẩu có vai trò vô cùng quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông thương giữa hai quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu văn hóa giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia.
Cũng theo ông Đàm, thời gian qua, Công ty Điện lực Tây Ninh (PC Tây Ninh) nói chung, Điện lực Bến Cầu nói riêng đã làm rất tốt nhiệm vụ cung ứng điện, đảm bảo, nguồn điện ổn định, phục vụ hoạt động của Đồn Biên phòng cũng như khu vực Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài.
Ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng khẳng định, PC Tây Ninh không chỉ đảm bảo điện phục vụ tốt các hoạt động của khu vực cửa khẩu, biên giới mà còn đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh. Đến nay, điện lưới quốc gia đã đến 100% số xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
“Điện có thể ví như những mạch máu, đã len lỏi vào từng khu vực xa xôi, hẻo lánh của các huyện, xã vùng biên giới, góp phần nâng cao trình độ dân trí, người dân yên tâm lao động sản xuất, giữ gìn chủ quyền biên giới lãnh thổ. Nhân dân vùng biên rất biết ơn Đảng, Nhà nước và ngành Điện, vì có điện, người dân mới có thể phát triển sản xuất, dịch vụ, xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình, mua sắm các máy móc, thiết bị, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần”, ông Dương Văn Thắng cho biết thêm.
PC Tây Ninh luôn nỗ lực đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu về điện của khách hàng
|
“Điện đi trước một bước”
Có thể khẳng định, kinh tế của tỉnh Tây Ninh những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng đạt hơn 8%/ năm. Hiện tỉnh Tây Ninh đã thu hút được hơn 300 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 6,4 tỷ USD. Thành quả này không thể không kể đến sự đóng góp to lớn của ngành Điện nói chung, PC Tây Ninh nói riêng trong việc “đi trước một bước,” đầu tư các dự án, công trình điện, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kinh tế phát triển cũng đã tạo áp lực lớn cho PC Tây Ninh. Giai đoạn 2015 - 2018, sản lượng điện của Tây Ninh tăng bình quân 14,5%/năm. Điều này, đã gây quá tải nhiều đường dây, trạm biến áp; trong khi đó, việc đầu tư các dự án lưới điện cũng gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như giải phóng mặt bằng.
Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Giám đốc PC Tây Ninh, để đảm bảo cấp điện an toàn, tin cậy, hàng năm, Công ty đều chuẩn bị phương án cấp điện, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách khách hàng trọng điểm; xây dựng các phương án cấp điện ứng phó với trường hợp mất cân đối cung cầu… Công ty cũng đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu KHCN vào quản lý, vận hành lưới điện như: Hệ thống SCADA điều khiển thiết bị điện từ xa, sửa chữa điện hotline, vệ sinh sứ hotline, sử dụng camera nhiệt phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, sử dụng thiết bị chỉ thị phân vùng sự cố,… Qua đó, nâng cao chất lượng điện năng, giảm thiểu tối đa thời gian mất điện khách hàng.
Đối với các xã vùng biên, việc kéo điện về đã khó, việc quản lý vận hành còn khó hơn nhiều, do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nhiều nơi không có sóng điện thoại để liên lạc... Trong khi đó, khối lượng quản lý vận hành đường dây rất lớn, chủ yếu đi qua khu vực rừng rậm.Vì vậy, các điện lực thuộc PC Tây Ninh thường xuyên kiểm tra lưới điện, xử lý, khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại của các tuyến đường dây, TBA, hệ thống cột điện, nhất là tại các vị trí xung yếu, kịp thời thay thế thiết bị có nguy cơ gây sự cố trên lưới. Ngoài ra, đơn vị cũng luôn chủ động đầu tư phát triển, cải tạo nâng cấp đường dây, TBA và lắp đặt thêm tụ bù để ổn định điện áp, hoàn chỉnh lưới điện khu vực vùng biên, nhằm cung cấp điện ổn định, thường xuyên, liên tục cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng, thời gian tới, kinh tế Tây Ninh sẽ tiếp tục phát triển ổn định nhờ thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, hai khu vực cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát sẽ trở thành hai vùng kinh tế trọng điểm, năng động nhất của tỉnh Tây Ninh. Vì vậy, ngành Điện cần “đi trước một bước”, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng về điện, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực biên giới.
Khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, thế nhưng PC Tây Ninh quyết tâm phấn đấu nâng cao chất lượng điện năng, ứng dụng các thành tựu KHCN vào quản lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tỉnh Tây Ninh:
- Có 240 km đường biên giới với nước bạn Campuchia, trải dài trên 20 xã, thuộc 5 huyện biên giới.
- 2 cửa khẩu quốc tế: Mộc Bài và Xa Mát.
- 3 cửa khẩu quốc gia: Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân và nhiều cửa khẩu tiểu ngạch.
|