Từ cuối năm 2018, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) khởi công dự án đường dây 110 kV từ TBA 220 kV Nghi Sơn đến TBA 110 kV Luyện Kim 1, phục vụ cung cấp điện cho Công ty CP Gang Thép Nghi Sơn (Khu kinh tế Nghi Sơn), đồng thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải, nâng cao độ ổn định cung cấp điện cho huyện Tĩnh Gia nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Theo kế hoạch, công trình sẽ đóng điện vào quý I/2019. Đến nay, dù đã chậm tiến độ 3 tháng, dự án vẫn còn khoảng 8 vị trí móng cột chưa được bàn giao mặt bằng.
Ông Trịnh Thế Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Nghi Sơn cho biết: “Hiện nay, Công ty chúng tôi đã có 1 dây chuyền sản xuất đúc và cán thép hoàn thành lắp đặt từ tháng 4/2019; 1 dây chuyền sẽ hoàn thiện trong tháng 7/2019. Nếu không được cấp điện kịp thời, mỗi tháng, Công ty sẽ thiệt hại hàng chục tỷ đồng do trả lãi ngân hàng; tiền lương cho 10 chuyên gia nước ngoài và toàn bộ công nhân trong thời gian đợi sản xuất”, ông Dũng cho hay.
Một dự án khác trên địa bàn huyện Tĩnh Gia cũng đang chậm tiến độ là dự án đường dây và TBA Tĩnh Gia 2 đã khởi công vào quý IV/2017. Dự kiến, công trình vào vận hành từ quý II/2018 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc trong công tác đền bù và GPMB. Một trong những nguyên nhân chính là do công tác điều tra, xác minh nguồn gốc đất tại địa phương gặp nhiều khó khăn bởi sự khác biệt giữa giấy tờ và thực tế. Bên cạnh đó, một số hộ dân trong diện được xét bồi thường lại có những đòi hỏi quyền lợi nằm ngoài quy định.
Đáng nói, các dự án lưới điện chậm tiến độ không chỉ gây thiệt hại đối với ngành Điện mà còn cả với các doanh nghiệp đầu tư và chính người dân trên địa bàn.
EVNNNPC và các đơn vị thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án
|
Thời gian qua, để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án trên, EVNNPC, các nhà thầu thi công và cả hệ thống chính trị địa phương đã phối hợp vận động thuyết phục người dân, triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định, nhưng kết quả chưa như mong đợi.
Theo ông Mai Cao Cường - Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư huyện Tĩnh Gia, đối với các dự án lưới điện, thời gian tính từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến thời điểm triển khai công tác GPMB là rất gấp, trong khi công tác chuẩn bị trích đo hiện trạng các khu đất bị thu hồi tại các vị trí chân móng cột và hành lang tuyến mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể, ở một số khu vực, giá trị bồi thường theo quy định thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế, nên người dân chưa đồng thuận.
Ngoài ra, vấn đề đền bù cho những vị trí liên quan đến đất trồng rừng trong hành lang đường dây điện cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đất trồng rừng sản xuất ở Tĩnh Gia chủ yếu do người dân tự trồng và tự khai thác, không có hồ sơ kỹ thuật, mật độ cây trồng rất dày. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa đã có quy định rõ ràng về số lượng cây được bồi thường trong hành lang đường điện thì người dân lại yêu cầu phải bồi thường hết mới bàn giao mặt bằng.
Ông Mai Cao Cường cho biết, thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục vận động các hộ gia đình, doanh nghiệp liên quan thực hiện bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. “Đối với dự án đường dây và TBA Tĩnh Gia 2, nếu các hộ dân đã được đối thoại, vận động, giải thích rõ chính sách mà không chấp hành quy định, huyện sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định”, ông Cường cho hay.
Trong bối cảnh phụ tải điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tăng trưởng nóng, rất cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ và quyết liệt giữa chủ đầu tư, chính quyền các cấp để giúp người dân hiểu và đồng thuận, bàn giao mặt bằng kịp thời, qua đó góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thùy Lê
Share