Thành công của các nhà máy điện mặt trời có sự tích cực phối hợp và hỗ trợ rất lớn của EVN

Dự hội nghị chuẩn bị công tác vận hành các nhà máy điện mặt trời vừa diễn ra, nhiều chủ đầu tư đánh giá cao sự hỗ trợ, phối hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên trong quá trình đưa các dự án vào vận hành.

Quy trình, thủ tục thuận lợi 

Tập đoàn Sao Mai (có trụ sở tại tỉnh An Giang) sở hữu 2 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 260MW. Trong số này, Sao Mai đã đưa vào vận hành 156MW (106MW tại An Giang, 50MW ở Long An) trước ngày 30/6/2019. Ông Hồ Mạnh Dũng - Cố vấn về năng lượng mặt trời của Tập đoàn Sao Mai khẳng định: "Thành công của chúng tôi có sự đóng góp, hỗ trợ rất lớn của EVN và các đơn vị thành viên như Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện, Ban Thị trường điện EVN. Không chỉ các nhà máy điện mặt trời của Sao Mai, mà các nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam đã vận hành an toàn, liên tục. Các thủ tục, quy trình về mua bán, thanh toán được thực hiện thuận lợi, thông suốt”. 

Cũng theo ông Hồ Mạnh Dũng, Tập đoàn Sao Mai đang đẩy nhanh giai đoạn 2 của Nhà máy điện mặt trời tại An Giang (công suất 104MW). Mục tiêu là đưa vào vận hành cuối năm 2020 - thời hạn để hưởng giá ưu đãi theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (gọi tắt là giá FIT 2). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn, nhất là các chuyên gia nước ngoài chưa đến Việt Nam để kiểm tra, lắp đặt các thiết bị.

Ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Trung tâm Điều khiển Nhà máy điện mặt trời Solar Park (Long An) phát biểu đánh giá cao sự hỗ trợ từ EVN

Tổ hợp nhà máy điện mặt trời Solar Park (Long An) có các nhà máy Solar Park 1, 2 đã vận hành thương mại từ tháng 6/2019. Hai nhà máy còn lại dự kiến vận hành thương mại trong tháng 7 này. Ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Trung tâm Điều khiển của tổ hợp nhà máy này cho hay, trong thời gian qua, EVN và các đơn vị như Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (A0), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam, Công ty Mua bán điện, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã phối hợp, hỗ trợ đơn vị triển khai các thủ tục, quy trình rất thuận lợi. 

Tại hội nghị chuẩn bị công tác vận hành các nhà máy điện mặt trời diễn ra sáng 14/7, đại điện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đánh giá cao sự nỗ lực của EVN và các đơn vị thành viên trong việc phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư nhà máy điện. Tuy nhiên, để các nhà máy vận hành ổn định, phát huy hiệu quả cao nhất, đại diện Cục Điều tiết Điện lực yêu cầu các nhà máy cần tuân thủ những khuyến cáo của Trung tâm Điều độ hệ thông điện Quốc gia đưa ra.

EVN tạo thuận lợi tối đa cho các chủ đầu tư

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, thời gian còn lại để các nhà máy kịp vào vận hành thương mại để hưởng giá FIT 2 không còn nhiều. Hiện còn khoảng 36 nhà máy chưa đóng điện và sẽ tập trung đóng điện vào thời điểm cuối năm. Để quá trình thử nghiệm, đóng điện đưa vào vận hành được thuận lợi, ông Ngô Sơn Hải đề nghị Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư trong quá trình triển khai các quy trình, thủ tục.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cần rà soát lại công tác đào tạo trưởng ca đối với các nhà máy điện gió, điện mặt trời; phối hợp với Ban Thị trường điện nghiên cứu, đề xuất Bộ Công Thương ban hành quy định về trình tự, thủ tục huy động các nhà máy điện, đảm bảo việc huy động công suất công bằng, minh bạch.

Lãnh đạo EVN cũng yêu cầu các Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện giải tỏa công suất, các dự án đấu nối với nhà máy năng lượng tái tạo…

Ông Ngô Sơn Hải khẳng định các nguồn năng lượng tái tạo đã góp phần giảm bớt áp lực cung cấp điện của EVN, nhất là trong bối cảnh nguồn cung ứng điện gặp nhiều khó khăn như thời gian qua. Với sự nỗ lực của EVN và các đơn vị trực thuộc, tình trạng giảm phát các nhà máy điện NLTT đã được cải thiện. Các nhà máy đi vào vận hành trước ngày 30/6/2019 đã cơ bản được giải tỏa toàn bộ công suất. 

Tuy nhiên, với những nhà máy mới đưa vào vận hành sau 30/6/2019, ở một số khu vực vẫn xảy ra quá tải, do việc triển khai các dự án lưới điện truyền tải mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể, hơn 7.000MW điện gió vừa được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch. Đây là thách thức không nhỏ trong việc giải tỏa công suất nguồn NLTT. Lãnh đạo EVN cho biết, Tập đoàn sẽ báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ bổ sung vào quy hoạch các dự án lưới điện truyền tải; đồng thời đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh tiến độ các dự án lưới điện đã có trong quy hoạch. 


  • 14/07/2020 01:20
  • Phan Thảo
  • 6015