Việc phát triển các nguồn điện phân tán là xu hướng phổ biến trên thế giới. Đối với các thành phố có tốc độ đô thị hóa và mật độ dân số cao như TP. Hồ Chí Minh, việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là giải pháp nguồn phân tán tối ưu và hiệu quả nhất hiện nay.
EVNHCMC xây dựng chuyên mục cung cấp đầy đủ thông tin về điện mặt trời mái nhà trên website từ năm 2019
|
Điện mặt trời mái nhà sẽ giúp khách hàng giảm chi phí tiền điện, giảm bức xạ nhiệt giúp làm mát ngôi nhà. Nếu sản lượng điện mặt trời phát dư, khách hàng có thể bán cho ngành Điện. Đồng thời, đây là nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải khí CO2 và góp phần giảm hiệu ứng nhà kính.
Thời gian qua, EVNHCMC đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Tổng công ty cũng đã xây dựng chuyên mục riêng về điện mặt trời mái nhà trên website Chăm sóc khách hàng từ năm 2019 nhằm phổ biến, công khai, minh bạch các thông tin cần thiết như: cơ chế giá FIT của Chính phủ, các quy định của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc mua ĐMTMN; công khai thông tin đấu nối giải tỏa công suất, các chương trình ưu đãi, công cụ hỗ trợ khách hàng tính toán nhanh chi phí/hiệu quả khi đầu tư hệ thống ĐMTMN…
EVNHCMC cũng thực hiện thỏa thuận đấu nối và mua lại điện từ các hệ thống ĐMTMN theo quy định của Chính phủ và Bộ Công Thương, với quy trình đấu nối được xây dựng tạo điều kiện tối đa cho khách hàng.
Nhờ đó, tính đến ngày 1/8/2021, trên toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có 14.250 hệ thống ĐMTMN, với tổng công suất 365MWp đi vào vận hành.
Sơ đồ hệ thống BESS của EVNHCMC
|
Nhằm phát huy hiệu quả của nguồn điện phân tán, EVNHCMC đang triển khai dự án thí điểm lưới điện Microgrid có tích hợp năng lượng tái tạo và hệ thống pin tích trữ năng lượng (BESS) tại Trung tâm Dữ liệu (Data Center). Dự kiến, cuối năm 2021, dự án sẽ hoàn thành và đi vào vận hành. Hệ thống BESS có dung lượng lưu trữ khoảng 350kWh, đáp ứng công suất cực đại 288kW của hệ thống máy tính chủ server.
Khi đưa vào vận hành, hệ thống sẽ góp phần chủ động giảm điện năng tiêu thụ nhận từ nguồn lưới tại giờ cao điểm; tham gia điều chỉnh công suất phụ tải (cắt đỉnh) khi cần thiết; duy trì nguồn điện dự phòng (tức thời) cho Trung tâm Dữ liệu khi có sự cố nguồn cung cấp lưới điện; bù đắp công suất tác dụng/phản kháng để đảm bảo chất lượng điện năng theo yêu cầu; chuyển dịch nhu cầu sử dụng điện của phụ tải trong ngày...