Đưa vào vận hành chính thức từ ngày 1/7/2012, đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh đã trải qua hơn 6 năm vận hành. Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, hệ thống điện đã được vận hành an toàn, tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện, thông qua bản chào giá. Các nhà máy có giá chào thấp sẽ được huy động trước, sau đó đến các nhà máy có giá chào cao hơn, cho đến khi đáp ứng được nhu cầu của phụ tải.
Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống.
Đến nay, số lượng các nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường là 87 nhà máy với tổng công suất đặt 22.946 MW, tăng 2,8 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường (chỉ có 31 nhà máy).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị ngày 8/10, tại Hà Nội
|
Song song với công tác củng cố và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo kế hoạch, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được vận hành chính thức từ năm 2019. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các đơn vị liên quan cần tập trung hoàn thành tốt giai đoạn vận hành thí điểm các tháng cuối năm 2018; hoàn thành dự thảo Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện trình lãnh đạo Bộ phê duyệt; đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT cũng như tiếp tục triển khai đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị thành viên đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện.
Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, đến nay đã có 99% (633/639) số điểm đo thuộc phạm vi ranh giới được thu thập trực tiếp từ xa về Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phục vụ thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành thí điểm; chất lượng số liệu đo đếm từng bước cải thiện; công tác công bố, đối soát, xác nhận số liệu đo đếm từng bước đi vào khuôn khổ, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, cũng theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, việc xác nhận số liệu đo đếm của các Tổng công ty điện lực cần thời gian thêm vì phạm vi số lượng số liệu đo đếm rất lớn. Ngoài ra, việc xác nhận sản lượng của các nhà máy vùng sâu, vùng xa chậm do việc thu thập số liệu trực tiếp khó khăn. Điều này dẫn đến việc xác nhận các bảng kê ngày chậm 2-3 ngày so với thời gian biểu quy định hiện hành.
Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin mới đáp ứng ở mức cơ bản, hệ thống SCADA chưa đầy đủ, gây hạn chế trong dự báo, lập kế hoạch, giám sát thị trường điện.
Tại Hội nghị, ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Trong thời gian qua, EVN đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác đào tạo xây dựng đội ngũ nhân lực vận hành thị trường điện. Tập đoàn cũng đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thị trường điện đảm bảo vận hành hiệu quả.
Cũng theo ông Hải, năm 2019 dự báo là một năm khó khăn đối với hệ thống điện. Việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam tiếp tục căng thẳng do không có nguồn điện mới đưa vào. Do đó, sẽ tiếp tục phải truyền tải điện cao từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.
Cùng với dự báo nước về hồ thủy điện kém, trong khi nhu cầu cấp nước cho hạ du sẽ nhiều hơn; vấn đề nguồn cung cấp khí và than cho sản xuất điện;... cũng tạo áp lực lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng.
Hiện tại, EVN đã xây dựng kịch bản, phương án để vừa đảm bảo vận hành thị trường điện, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bài, ảnh: Hương Nhung
Share