Thị trường phát điện cạnh tranh: ​Cú huých cho GENCO 1

Sau 5 năm tham gia thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM), Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO 1) đã đảm bảo sản xuất điện an toàn ổn định, từng bước mở rộng đầu tư các dự án nguồn điện mới. Có thể nói, VCGM đã tạo cú huých cho GENCO 1 trong việc đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường điện.

Chủ động "đổi mới" 

Là công ty TNHH một thành viên do EVN làm chủ sở hữu, GENCO 1 hiện hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Đến nay, GENCO 1 có tổng công suất lắp đặt 6.418 MW với 16 nhà máy điện (NMĐ) chính thức vận hành thương mại và 15 NMĐ trực tiếp tham gia VCGM (Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 dự kiến tham gia thị trường điện đầu tháng 9/2017). Thị trường điện đã có những tác động không nhỏ đến hoạt động, điều hành sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các công ty thành viên. 

Theo ông Nguyễn Khắc Sơn - Tổng giám đốc GENCO 1, sau khi tham gia VCGM, đơn vị đã xác định phải nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, làm tốt công tác xây dựng kế hoạch và chào giá trên thị trường. Theo đó, đã thành lập Ban Kinh doanh thị trường điện chuyên nghiên cứu, theo dõi, dự đoán và phân tích nhu cầu tăng giảm của thị trường để từ đó có phương án chào giá cạnh tranh đạt hiệu quả cao. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo cán bộ làm công tác thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin như: Hệ thống SCADA/EMS, HMI giám sát vận hành các NMĐ trực thuộc từ xa; phần mềm thị trường điện của EVN GENCO 1….

Để có phương án chào giá cạnh tranh trên thị trường, GENCO 1 cũng chỉ đạo các công ty con đưa ra nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất như: Thực hiện nghiêm túc công tác mua sắm vật tư thông qua chào hàng cạnh tranh, tiết giảm chi phí tổ chức hội nghị. Đặc biệt, đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm tiết giảm chi phí sản xuất như: Nghiên cứu cải tiến việc thực hiện phối trộn than khi khởi động lò để giảm chi phí nhiên liệu trong quá trình khởi động; thực hiện chuyển đổi tối ưu điện tự dùng trong các nhà máy,… 

Hàng tháng, Ban lãnh đạo đều họp với Ban Kinh doanh thị trường điện để phân tích đánh giá nguyên nhân cũng như hiệu quả của các đơn vị thành viên đối với từng tháng trên thị trường để từ đó có phương án sản xuất kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp. Nhờ đó, suất sự cố của các nhà máy đã giảm hơn so với trước khi tham gia thị trường, còn các nhà máy thủy điện thì việc chào giá phát điện cũng tránh được những trạng thái vận hành có thể ảnh hưởng xấu đến tổ máy... Những tác động này đã mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với trước khi tham gia thị trường.

Cụ thể năm 2016, tổng doanh thu của GENCO 1 đạt 17,205.35 tỷ đồng với tổng sản lượng phát thực tế đạt 15,594.37 triệu kWh. 6 tháng đầu năm 2017 đã đạt 14,101.66 tỷ đồng với tổng sản lượng phát thực tế đạt 12,042.17 triệu kWh (trong đó Nhiệt điện Duyên Hải 1 chính thức tham gia VCGM từ ngày 1/1/2017).

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh những tác động tích cực, các doanh nghiệp tham gia VCGM vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, đối với các nhà máy nhiệt điện khi tham gia VGCM, theo quy định phải chào giá theo chi phí biến đổi, cơ chế giá công suất thị trường chỉ tính toán trên nguyên tắc đảm bảo cho NMĐ mới, tốt nhất thu hồi đủ chi phí biến đổi và cố định. Do đó, các nhà máy khác khó khăn trong việc thu hồi chi phí cố định trong trường hợp giá thị trường điện thấp.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, giá thị trường thấp hơn chi phí biến đổi, các nhà máy nhiệt điện ngừng dự phòng nhằm tiết kiệm chi phí nhưng để đảm bảo an ninh hệ thống điện các nhà máy vẫn được huy động với tải thấp dẫn đến hiệu suất tiêu hao than, dầu và điện tự dùng tăng cao hơn phương án giá điện. 

Đối với các nhà máy thủy điện, do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho diễn biến thủy văn bất thường, không tuân theo quy luật, gây khó khăn cho việc vận hành điều tiết các hồ chứa khi tham gia thị trường điện. Việc vận hành các hồ chứa theo quy trình liên hồ chứa cũng gây không ít khó khăn và làm giảm hiệu quả của các nhà máy khi tham gia VCGM.

Chẳng hạn, Nhà máy Thủy điện Đại Ninh theo quy trình liên hồ chứa trong mùa cạn gần như chỉ đóng vai trò cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp với lưu lượng tương đối lớn làm giảm doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh đó, vì nằm trong khu vực miền Nam thiếu điện nên giá thị trường cao vẫn buộc phải giữ nước đảm bảo cho an ninh hệ thống điện. 

Đối với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, nhu cầu cấp nước của địa phương trong từng giai đoạn thực tế không giống với quy định cấp nước hạ du của quy trình liên hồ chứa, gây khó khăn cho nhà máy trong công tác lập kế hoạch vận hành điều tiết hồ chứa và chiến lược kinh doanh trong VCGM, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Với Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2, khó khăn là không thống nhất giữa quy trình vận hành liên hồ chứa khu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và quy định chào giá trong thị trường VCGM. Theo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thì Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ có nhiệm vụ cung cấp mực nước thực đo lúc 7h00 ngày hiện tại của Trạm thủy văn Giao Thủy cho công ty để có căn cứ vận hành đảm bảo cấp nước hạ du, nhưng theo quy định của thị trường VCGM thì bản chào giá của NMĐ lại được lập và gửi trước 11h30 ngày hôm trước. Như vậy, NMĐ chưa thể biết được mức nước lúc 7h00 ngày hôm sau tại trạm đo Giao Thủy để lập và gửi bản chào giá đảm bảo cấp nước hạ du theo đúng như quy định.

Để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị phát điện tham gia thị trường, GENCO 1 mong muốn Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cùng các cơ quan liên quan xem xét điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời về giá, quy định nộp bản chào giá theo giờ đo mực nước của Đài Khí tượng thủy văn… 

Ông Nguyễn Khắc Sơn- Tổng giám đốc GENCO 1: VCGM bước đầu đã tạo môi trường cạnh tranh công khai bình đẳng giữa các đơn vị tham gia; tạo cú huých cho các doanh nghiệp sản xuất điện và có hiệu ứng tích cực thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực điện năng.

 


  • 11/09/2017 02:11
  • Theo Báo Công Thương
  • 11123