Ông Từ Văn Hùng – Cục điều tiết Điện lực cho biết, chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM) giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 8/3/2018. Trong đó, đã xác định Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) là trọng tâm. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia 1.000 MW vào năm 2025, và 2.000 MW vào năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu đó, cần có các cơ chế phù hợp để triển khai DR. Việt Nam đã, đang tham khảo kinh nghiệm quốc tế, qua đó đề xuất hoàn thiện khung pháp lý cho các chương trình điều chỉnh phụ tải điện của Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các thông tin về cơ chế khuyến khích tài chính trên cơ sở tín hiệu giá (CPP), cơ chế khuyến khích tài chính trực tiếp và phương pháp phân tích chi phí - lợi ích của các cơ chế khuyến khích. Đồng thời, tiếp cận thông tin về chương trình DR ở các quốc gia Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Pháp do đại diện GIZ và đơn vị tư vấn trình bày.
Hội thảo tổng kết nghiên cứu thiết kế, thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện Việt Nam, ngày 23/6
|
Ông Trần Viết Nguyên, Phó ban Kinh doanh EVN cho biết, chương trình DR đã được EVN triển khai thí điểm từ năm 2015. Tới năm 2021, 2022, các đơn vị điện lực của EVN đã ký thỏa thuận thực hiện DR phi thương mại với hơn 10.000 khách hàng, tiềm năng DR đạt khoảng 2.100MW.
“Chương trình DR phi thương mại hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện tham gia của khách hàng. Phía EVN cũng cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ tới các khách hàng tham gia DR. Tuy nhiên, do đây là chương trình DR tự nguyện, chưa có cơ chế tài chính cho khách hàng, do đó, rất khó khăn để triển khai lâu dài. Cần sớm có cơ chế DR thương mại, cơ chế cho các tổ chức trung gian tham gia sâu rộng vào thị trường DR và dịch vụ phụ trợ” – ông Trần Viết Nguyên cho hay.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ các vướng mắc trong triển khai DR phi thương mại; đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả chương trình DR tại Việt Nam trong thời gian tới.