Thiếu điện tại miền Trung – Tây Nguyên: Ứng phó chủ động, linh hoạt nhiều kịch bản

Khô hạn đang đe dọa nghiêm trọng các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Thiếu điện cục bộ không còn là chuyện nguy cơ. Ông Lê Kim Hùng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVN CPC) đã trả lời phỏng vấn của phóng viên evn.com.vn về công tác ứng phó với tình trạng này.

PV: Ônh nhận định thế nào về tình trạng hạn tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và nguy cơ đối với nguồn cung điện trong mùa nắng nóng 2013 ?

Ông Lê Kim Hùng: Từ đầu năm đến nay, khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung lượng mưa ít, thậm chí nhiều tỉnh không hề có mưa. Thời tiết diễn biến cực đoan khiến khô hạn cục bộ đã xảy ra, và đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Tình trạng này cũng khiến mực nước các hồ thủy điện xuống thấp. Nhiều thủy điện vừa và nhỏ ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên thậm chí đã phải giảm công suất, dừng hoạt động… để xả nước cứu hạ du.

Tình hình nguồn cung điện trong thời gian tới sẽ hết sức căng thẳng và nguy cơ thiếu điện cục bộ là rất khó tránh. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã dự báo tình trạng này. Toàn hệ thống có thể thiếu hơn 1 tỷ kWh. Nhiều khả năng EVN sẽ phải huy động thêm các nguồn điện giá cao.

Ông Lê Kim Hùng - Phó TGĐ EVN CPC - Ảnh: Phan Trang

Vậy Tổng Công ty Điện lực Miền Trung sẽ làm gì để ứng phó trước nguy cơ này, thưa ông?

Ông Lê Kim Hùng: Đối với EVN CPC, trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình hạn hán và nguy cơ thiếu nguồn cung điện đã được EVN cảnh báo, chúng tôi đã lên các phương án sẵn sàng ứng phó. Các kịch bản thiếu 5%, 10%, 15%... đã được đưa ra với phương châm “chủ động, linh hoạt” trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, với những nỗ lực của EVN trong việc huy động tất cả các nguồn điện, thậm chí là giá cao, chúng tôi hy vọng không xảy ra tình trạng mất điện kéo dài trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Trong trường hợp phải tiến hành cắt điện luân phiên, kịch bản cụ thể EVN CPC là như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Kim Hùng: Đối với tình huống xấu nhất là thiếu điện căng thẳng dẫn tới phải cắt điện luân phiên, chúng tôi cũng đã có dự trù kịch bản để sẵn sàng ứng phó. Tổng công ty yêu cầu  công ty điện lực các tỉnh, thành phố phải chủ động lập phương án cụ thể, báo cáo với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xem xét, phối hợp để lập danh mục khách hàng quan trọng.

Trong điều kiện phải cắt điện luân phiên thì cắt như thế nào để hài hòa lợi ích của các nhóm khách hàng khác nhau. Đặc biệt thời gian cắt điện mỗi lần không được kéo dài, gây căng thẳng và bức xúc trong dư luận. Nguyên tắc chung nhất là dù phải cắt điện luân phiên, các đơn vị vẫn phải đảm bảo các hoạt động chính trị - kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn không bị ảnh hưởng lớn.

Còn công tác tuyên truyền sẽ được EVN CPC triển khai ra sao?

Ông Lê Kim Hùng: Song song với những giải pháp trên, EVN CPC cũng đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông tiết kiệm điện. Nhiều năm qua, Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc đã chú trọng triển khai công tác tiết kiệm điện. Nhận thức về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả của người dân, vì vậy cũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ.

Năm nay, công tác tuyên truyền của chúng tôi hướng tới tạo những đột phá để biến nhận thức thành hành động cụ thể trong cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng sẽ tập trung phân tích, lý giải cho người dân và khách hàng dùng điện thấu hiểu và chia sẻ với ngành Điện trong những thời điểm khó khăn, thiếu điện do hạn hán… Mỗi cán bộ nhân viên EVN CPC đều phải có trách nhiệm như là 1 tuyên truyền viên cho ngành.

Xin cảm ơn ông!

 


  • 27/03/2013 10:28
  • Vĩnh Long (Thực hiện)
  • 4303