Bên cạnh đó, chi phí đầu vào, sản xuất, vận hành tăng cao khiến cho nhiều dự án năng lượng mặt trời bị trì hoãn đang tạo áp lực lên các nhà sản xuất tấm quang điện, tế bào quang điện và hệ thống lưu trữ năng lượng,... Đây đều là những thách thức lớn gây khó khăn cho các mục tiêu về năng lượng sạch, cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia và đặc biệt là chương trình “Made in India” của Thủ tưởng Narendra Modi nhằm thúc đẩy 15 lĩnh vực chiến lược, bao gồm năng lượng tái tạo, để biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu.
Các kỹ thuật viên làm việc trên dây chuyền lắp ráp tại một trung tâm sản xuất tấm năng lượng mặt trời ở Greater Noida, ngoại ô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
|
Để đảm bảo mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, Chính phủ đã áp dụng thuế 40% đối với tấm quang điện, 25% đối với tế bào quang điện nhập khẩu từ Trung Quốc, và dành 3 tỷ USD với nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất địa phương.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ cần phải tăng cường các khoản tài trợ và phát triển thêm nhiều chương trình đào tạo nhân lực thì mới có thể đạt mục tiêu mở rộng tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo lên 500GW vào năm 2030, tăng 50GW mỗi năm.
Mặc dù chính phủ đã chi gần 24 tỷ USD ưu đãi trong 5 năm qua và dành khoảng 20 tỷ rupee mỗi năm cho đào tạo kỹ năng, nhưng những nỗ lực này vẫn chưa đủ để giải quyết các thách thức hiện hữu một cách bền vững.
Dwipen Boruah, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn năng lượng tái tạo GSES Ấn Độ, cho biết tình trạng thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao đang là một thách thức lớn đối với ngành năng lượng tái tạo tại quốc gia này. Công ty của ông đã đào tạo hơn 7.000 người về công nghệ tái tạo, nhưng ông cho rằng cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính phủ để cải thiện hiệu quả giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực này.
Ông Boruah chỉ ra rằng hàng trăm học viện tư nhân hiện đang khai thác các khoản trợ cấp của chính phủ nhưng lại cung cấp các chương trình đào tạo không đạt tiêu chuẩn. Ông cho biết, mức trợ cấp hiện tại - thường chỉ vài nghìn rupee cho mỗi học viên - là quá thấp, dẫn đến hiệu quả giáo dục bị hạn chế.
Boruah và nhiều lãnh đạo ngành khác nhận định rằng mặc dù Ấn Độ đào tạo hơn một triệu kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm, các trường cao đẳng truyền thống vẫn chưa đủ khả năng trang bị kiến thức và kỹ năng thực tế về các công nghệ năng lượng mặt trời, gió và các lĩnh vực tái tạo khác. Họ đề xuất chính phủ tăng ngân sách đào tạo từ mức hiện tại 5-6 tỷ rupee lên gấp 10 lần để đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Tuần trước, ông Pralhad Joshi, Bộ trưởng Bộ Năng lượng tái tạo Ấn Độ, đã công bố việc thành lập một hội đồng chung bao gồm đại diện của ngành và chính phủ. Hội đồng này sẽ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề quan trọng, bao gồm đào tạo nhân lực, nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng sạch của Ấn Độ.
Theo công ty nhân sự TeamLease Services, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại Ấn Độ đang thiếu hụt khoảng 1,2 triệu lao động có tay nghề cao. Dự báo nhu cầu lao động sẽ tăng 26% vào năm 2027, đòi hỏi khoảng 1,7 triệu nhân công lành nghề.
Ashwani Sehgal, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Ấn Độ, cho biết sự thiếu hụt lao động lành nghề đang ảnh hưởng đến tất cả các cấp độ trong ngành, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như sản xuất tế bào quang điện, hệ thống lưu trữ năng lượng và công nghệ tích hợp lưới điện nâng cao. Tình trạng thiếu hụt này còn nghiêm trọng hơn khi gần 20% lao động lành nghề rời ngành mỗi năm, gây khó khăn lớn cho kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp.
Đầu năm nay, chính phủ Ấn Độ đã đề xuất các biện pháp hỗ trợ nâng cao kỹ năng và nới lỏng hạn chế thị thực đối với kỹ thuật viên nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, nhằm giải quyết bài toán thiếu nhân sự vận hành máy móc nhập khẩu.
Vaishali Nigam Sinha, đồng sáng lập ReNew - một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất Ấn Độ, cho rằng tình trạng thiếu hụt kỹ năng đang khiến chi phí hoạt động gia tăng và là "rào cản bị đánh giá thấp" nhất đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước.
Sự thiếu hụt lao động xảy ra trong bối cảnh Ấn Độ đẩy mạnh triển khai các dự án năng lượng mặt trời và gió với mục tiêu đạt công suất 35GW vào tháng 3/2025. Nhu cầu điện dự kiến tăng 7% mỗi năm, trong khi chất lượng nguồn nhân lực thấp đang hạn chế khả năng mở rộng xuất khẩu tấm pin quang điện, vốn đạt 1,9 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua, chủ yếu xuất sang Hoa Kỳ.
Tata Power, với công suất năng lượng tái tạo 6GW, đã thành lập 11 trung tâm đào tạo, giúp hơn 300.000 thanh niên được đào tạo về lắp đặt năng lượng mặt trời, quản lý pin và các công nghệ xanh khác. Himal Tewari, Giám đốc nhân sự của Tata Power, cho biết lực lượng lao động có tay nghề cao là yếu tố quyết định để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động, bảo trì và đổi mới công nghệ.
Tại các khu vực như Greater Noida - trung tâm sản xuất gần Delhi, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư thiết kế, kỹ thuật viên và thợ lắp đặt đang tăng mạnh, với mức lương từ 20.000 đến 100.000 rupee (239 - 1.200 USD) mỗi tháng. Monica Sehgal, Giám đốc Alpex Solar, cho biết công ty đã triển khai các ưu đãi và chương trình đào tạo ở nước ngoài tại Đài Loan và Việt Nam để thu hút nhân tài.
Dù các công ty đã cung cấp mức lương hấp dẫn, việc giữ chân lao động tại các địa điểm xa xôi như Rajasthan và Gujarat vẫn là một thách thức. Nhân viên thường thích làm việc tại các thành phố lớn. Kapil Sharma, một kỹ thuật viên 19 tuổi làm việc tại nhà máy Alpex gần Delhi, chia sẻ rằng công việc mới với mức lương cao giúp anh gửi 20.000 rupee mỗi tháng về quê nhà. Sharma bày tỏ hy vọng sẽ được đào tạo ở nước ngoài và tăng lương trong tương lai.
Ấn Độ hiện đang đứng trước áp lực cân bằng giữa nhu cầu tăng trưởng năng lượng tái tạo và tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và doanh nghiệp, quốc gia này hy vọng vượt qua khó khăn để đạt được các mục tiêu tham vọng về năng lượng sạch.
Nguyệt Hà (Theo Reuters)
Share