Chiều 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về công bố dịch vụ công tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia và ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương từ các điểm cầu trên cả nước.
Về phía EVN, Phó Tổng giám đốc Võ Quang Lâm tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Văn phòng Chính phủ (Hà Nội).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị - Nguồn ảnh: VGP
|
|
|
|
Tại hội nghị cũng đã công bố Quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho các cá nhân và tập thể đã có thành tích đóng góp tích cực trong việc xây dựng, vận hành, khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đối với EVN có tổng số 4 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen, gồm:
- Tập thể: Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- 3 cá nhân:
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN
Ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng Ban Kinh doanh EVN
Ông Bùi Quốc Hoan – Chuyên viên Ban Kinh doanh EVN
|
|
|
Nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, trong đó có EVN được Thủ tướng khen ngợi về nỗ lực triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG. Qua đó, giúp tiết kiệm rất lớn cho Nhà nước, cho người dân và doanh nghiệp về thời gian, kinh phí, công sức; góp phần chống tham nhũng vặt. Đồng thời, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao về sự thuận lợi.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, việc cung cấp, triển khai dịch vụ công trực tuyến góp phần tăng cường chống dịch COVID-19. Người dân và cán bộ công chức của đơn vị cung cấp dịch vụ không gặp nhau trực tiếp, không tiếp xúc tiền mặt, giấy tờ.
Với Cổng DVCQG, tại thời điểm khai trương (ngày 9/12/2019), chỉ có 8 dịch vụ công được triển khai. Đến nay, đã có tổng số 161 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Kết quả ban đầu của quá trình xây dựng và vận hành Cổng DVCQG cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp. Tới ngày 11/3/2020, có hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 13.600 hồ sơ trực tuyến được thực hiện qua Cổng DVCQG.
“Cái gì có lợi cho người dân thì chúng ta nên thực hiện, có lợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí thì chúng ta nên quan tâm” - Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng chỉ đạo, cần tiếp tục thúc đẩy triển khai dịch vụ trực tuyến. Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, cắt gọn thủ tục, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao thái độ phục vụ, tạo thuận lợi qua Cổng DVCQG.
Với các dịch vụ công đã tích hợp trên Cổng, các Bộ ngành, địa phương phải tiếp nhận giải quyết đúng tiến độ, chất lượng, thường xuyên cải cách, đổi mới thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ, cần tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu hành chính, hồ sơ trên hệ thống, đảm bảo công khai minh bạch.
Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công. Đồng thời, cần bảo đảm sự thông suốt của hạ tầng quốc gia, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Đối với EVN, ngay khi Cổng DVCQG được khai trương, EVN đã được Chính phủ cho phép tích hợp, cung cấp 3 dịch vụ.
Tới ngày 24/12/2019, EVN hoàn thành đưa 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối Cổng DVCQG. EVN là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên hoàn thành việc tích hợp, cung cấp tất cả các dịch vụ điện năng ở mức độ 4 cung cấp trên Cổng.
Với các dịch vụ điện, khi thực hiện giao dịch qua Cổng DVCQG, mọi hồ sơ, thủ tục của khách hàng sẽ được đơn giản hóa và thuận tiện. Một số giấy tờ như: Giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân sẽ được thay thế bằng các thông tin người dùng đã được Cổng DVCQG xác thực và định danh. Nhờ đó sẽ giúp người dân và doanh nghiệp giảm thời gian thực hiện các giao dịch.
Về kết quả triển khai cung cấp dịch vụ điện trên Cổng DVCQG, tính đến ngày 12/3/2020: Đã có 362.661 hồ sơ đồng bộ; 6.171 giao dịch được thực hiện. Việc đồng bộ trạng thái các hồ sơ giúp người dân, doanh nghiệp có thể giám sát quá trình thực hiện và đánh giá, phản ánh về các việc cung cấp dịch vụ của ngành Điện.