Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Đánh giá chung về công tác này năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cả hệ thống chính trị đã quan tâm, vận dụng linh hoạt "phương châm 4 tại chỗ”. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, dự báo, theo dõi, giám sát công trình, khu vực trọng điểm xung yếu bước đầu cũng đã được quan tâm (trên 1.000 trạm đo mưa tự động, 51 trạm cảnh báo đa thiên tai, 78 vị trí giám sát camera theo dõi trọng điểm đê điều và nhiều hồ chứa nước lớn đã được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn...)
Trong đó, ngành Điện được Thủ tướng biểu dương vì có nhiều sáng kiến trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các địa phương, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Bên cạnh những thành quả đạt được của cả hệ thống, Thủ tướng cho rằng cần khắc phục một số tồn tại như: Thiệt hại do thiên tai còn rất lớn; năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa theo kịp với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu;...
Giao nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cần có kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai cấp quốc gia, nhất là ứng phó bão mạnh, siêu bão, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất…
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống trạm khí tượng thủy văn quốc gia. Bộ Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy điện và các công trình thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, trong đó có 371 hồ chứa, nhất là hồ lớn, hồ liên vùng; quy trình phải rõ ràng, trách nhiệm phải cụ thể.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong thời gian qua, công tác vận hành các hồ chứa thủy điện thuộc EVN đã tuân thủ nghiêm quy trình, quy định. Dưới sự chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương, các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đã góp phần cắt giảm hoàn toàn các đợt lũ lớn, đồng thời mực nước lớn nhất của sông Hồng tại khu vực Hà Nội và hạ du trong năm 2018 luôn nhỏ hơn mức báo động 1 (9,5m).
Tất cả thủy điện của EVN đã lắp đặt bổ sung hệ thống cảnh báo hạ du và liên tục phổ biến thông tin liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương. Tới nay, các chủ đập, hồ chứa thủy điện đã kiểm định đập; phối hợp xây dựng quy chế giữa các chủ sở hữu đập với chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác vận hành hồ chứa thủy điện; rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cho công trình, hạ du đập và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt.
Trước mùa mưa bão năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện trực thuộc rà soát, kiểm tra các công trình, gia cố các vị trí xung yếu đảm bảo an toàn cho công trình khi thiên tai xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng và tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời các sự cố do thiên tai.