Doanh số bán điện tăng, tổn thất điện năng giảm
Nhìn lại hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Điện năm qua, người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao sự đóng góp trực tiếp của EVN vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, không để thiếu điện, cung cấp điện kịp thời cho nhân dân vùng lũ lụt, giúp người dân ổn định đời sống sinh hoạt; đồng thời góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng nông thôn mới; quản lý tài chính, quản trị doanh nghiệp tốt để khắc phục lỗ,…
Theo Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An, năm 2016, điện sản xuất và mua đạt 176,99 tỷ kWh - tăng 10,8% so với năm 2015. Điện thương phẩm đạt 159,45 tỷ kWh - tăng 11%, vượt 350 triệu kWh so với kế hoạch, trong đó điện thương phẩm nội địa ước đạt 158,3 tỷ kWh - tăng trưởng 11,2%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “EVN phải tiếp tục là Tập đoàn Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện quốc gia”
|
Về công tác đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, giá trị thực hiện khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn ước gần 135 ngàn tỷ đồng - bằng 101,8% kế hoạch và bằng 9% tổng đầu tư toàn xã hội. Giá trị giải ngân cả năm ước đạt 96,64% kế hoạch. Năm 2016, đã đưa vào phát điện 5 tổ máy với tổng công suất 2.305 MW. Hoàn thành bàn giao 5 công trình, kết thúc quyết toán 6 công trình. Hoàn thành đóng điện 297 công trình lưới điện, khởi công xây dựng được 314 công trình và một số dự án cấp điện nông thôn sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại các tỉnh Lạng Sơn, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang.
Từ những kết quả trên, doanh số bán điện của toàn Tập đoàn năm 2016 ước đạt 264.680 tỷ đồng - tăng 12,9% so với năm 2015. Đáng nói, chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng thực hiện đạt 7,7% - giảm 0,24% so với năm 2015. Riêng tổn thất truyền tải là 2,39% do phải truyền tải cao từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.
Một điểm đáng lưu ý là thời gian giải quyết cấp điện đối với lưới trung áp ít hơn so với chỉ tiêu 10 ngày - hiện chỉ còn 6,52 ngày, qua đó góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng ở vị trí 96/190, tăng 5 bậc so với năm 2015. Những nỗ lực nói này cũng đã góp phần quan trọng đẩy điểm số bình quân về mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện của EVN trong năm qua tăng lên 7,69/10 - cao hơn 0,42 điểm so với năm 2015.
“Bước vào năm 2017, Tập đoàn có những thuận lợi, đó là tổng công suất nguồn điện đạt hơn 42.000 MW, dự kiến năm 2017 sẽ vận hành thêm 3.647 MW. Cuối năm 2016, các hồ thủy điện cơ bản tích nước đầy hồ. Tập đoàn đã hoàn thành nhiều công việc chuẩn bị để đảm bảo cho sản xuất và cung ứng điện năm 2017”, Tổng giám đốc EVN nói.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
|
Phải giải được “bài toán” điện cho miền Nam
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2016, thiên tai và nhân tai đã gây hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt, nhất là tốc độ tăng trưởng. Nhưng bằng sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, các địa phương, Chính phủ đã đạt được những thành tựu đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong số những thành tựu đó có sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của ngành Công Thương, ngành Điện; tuy nhiên, trong quá trình phát triển đất nước thời gian tới cũng có những thách thức đặt ra đòi hỏi phải hết sức nỗ lực. Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Điện cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, trong đó có việc dù hệ thống đã dự phòng điện, nhưng thực tế vẫn chưa đồng đều và còn thấp, tại một số khu vực có phụ tải tập trung cao ở miền Bắc và miền Nam vẫn chưa khắc phục được tình trạng quá tải cục bộ trên lưới điện. Hơn nữa, dự báo năm 2017 - 2019, nguy cơ không đáp ứng đủ điện cho miền Nam là hiện hữu, vì thế phải xem đây là “bài toán”, ngành Điện cần nghiên cứu để có giải pháp khắc phục.
Cùng với đó, cần lưu ý mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7% - cao hơn năm 2016, nên nhu cầu điện chắc chắn sẽ lớn hơn. Trong trung và dài hạn, nguy cơ thiếu điện là có, nhất là đến năm 2020, khi Việt Nam phấn đấu có trên 1 triệu doanh nghiệp, thì nhu cầu điện sẽ rất lớn. Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn phải tập trung nhiệm vụ đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế.
Ngoài ra, EVN cần lưu ý về chỉ số tiếp cận điện năng so với các nước ASEAN đứng thứ 6 - thuộc nhóm thấp của khu vực này. Tới đây, Tập đoàn phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện chỉ tiêu này, và cũng cần tìm giải pháp bù đắp sản lượng điện khi không triển khai nhà máy điện hạt nhân.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn EVN phải tiếp tục là Tập đoàn Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện quốc gia. Theo đó, EVN cần tiếp tục cơ cấu lại Tập đoàn, tăng cường công tác quản trị, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, chỉ giữ lại 6 nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và hệ thống truyền tải, phân phối..., còn khâu bán lẻ và dịch vụ thì cổ phần hóa; phải công khai minh bạch, chống tham nhũng trong mọi khâu, nhất là khi cổ phần hóa các nhà máy điện. Rút kinh nghiệm các dự án nhiệt điện trước để đảm bảo môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục đóng góp trực tiếp vào cải thiện môi trường và khả năng cạnh tranh của Việt Nam.