Thúc đẩy chuyển đổi số tại các tập đoàn, tổng công ty trong Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) về thúc đẩy chuyển đổi số tại các tập đoàn, tổng công ty.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công An, Tổ Phó Thường trực Tổ công tác và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - ông  Nguyễn Hoàng Anh, đã cùng chủ trì buổi làm việc.

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) được phê duyệt tại Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 (Quyết định 06).

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, Ủy ban đã thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Quyết định 06. Từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Ủy ban đã thực hiện rà soát các nhiệm vụ của Quyết định 06 và đưa ra những chương trình hành động cụ thể tại Ủy ban cũng như 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc.

Trong Ủy ban, một số đơn vị mạnh về nguồn lực dành cho chuyển đổi số, mạnh về hạ tầng số như: VNPT, Mobifone, EVN, Petrolimex…

Một số mục tiêu đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty như: Tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển, ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, gắn chặt chẽ với cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ số tại Ủy ban và hoạt động chuyển đổi số tại 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu của từng ngành, từng nghề kinh doanh; thực hiện liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu của các đơn vị trong Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty. Nâng cao năng lực quản trị, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu của doanh nghiệp bằng cách áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nội bộ các tập đoàn, tổng công ty để đáp ứng nhu cầu quản trị doanh nghiệp và theo lộ trình đã đặt ra theo Đề án 06.

Ủy ban sẽ tổ chức xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành số áp dụng tại các tập đoàn, tổng công ty nhằm xác định đúng mức độ, lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, từng bước gắn đánh giá mức độ chuyển đổi số là một phần quan trọng của đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 5/7

Triển khai Đề án 06, cả EVN và khách hàng đều được lợi

Báo cáo tại buổi làm việc này, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết EVN được giao thực hiện kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về dân cư (CSDL Dân cư) qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) để cung cấp 2 dịch vụ là: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện.

Ngay trong tháng 01/2022, EVN đã đồng hành cùng với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ và các Cục trong lĩnh vực an toàn thông tin của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, để kết nối kỹ thuật, kiểm tra các điều kiện về an toàn, bảo mật thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và hoàn thành nhiệm vụ của EVN. Như vậy, EVN đã nỗ lực hoàn thành sớm 5 tháng so với nhiệm vụ được Thủ tướng giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg.

Đồng thời trong năm 2022, theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của CSDL Dân cư qua Cổng DVCQG với 100% dịch vụ điện đang cung cấp trên Cổng DVCQG.

Năm 2023, EVN tiếp tục triển khai việc tích hợp định danh điện tử mức độ 2 của Bộ Công an, để thông qua đó người dân có thể ký số các giao dịch dịch vụ điện trên môi trường số qua nền tảng VNeID, Cổng DVCQG cũng như giúp EVN chuẩn hóa thông tin khách hàng.        

Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, việc triển khai Đề án 06 đã mang lại cho EVN rất nhiều lợi ích. Nhờ kết nối, tích hợp dữ liệu từ CSDL Dân cư, nên EVN không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy với số lượng gần 20 triệu trang hồ sơ/năm. Giá trị tiết kiệm quy đổi khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm chỉ riêng tiền photo.

Đồng thời, khách hàng sử dụng điện cũng nhận được nhiều lợi ích. Việc kết nối này, đồng thời với việc chuyển đổi số trong giải quyết các dịch vụ điện theo phương thức điện tử của ngành Điện mang lại hiệu quả thiết thực như giúp tiết giảm chi phí đi lại cho khách hàng, không phải bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy; tăng cường tiện ích trong sử dụng điện của khách hàng.


  • 05/07/2023 06:26
  • P.N
  • 8122