Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành
|
Phóng viên: Thưa ông, sau 12 năm đồng hành cùng 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu triển khai Nghị quyết 30a, ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật mà chương trình đã đạt được?
Ông Dương Quang Thành: Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, EVN được phân công hỗ trợ 3 huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu: Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, EVN đã chủ động làm việc với lãnh đạo các huyện, lãnh đạo tỉnh Lai Châu để xây dựng kế hoạch triển khai; phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát thực trạng, nghiên cứu đề xuất các nội dung hỗ trợ trên cơ sở các thế mạnh của EVN và phù hợp với đặc điểm, nhu cầu từng huyện và người dân. Đồng thời, sau mỗi giai đoạn, tiến hành sơ kết để đánh giá những mặt được, mặt chưa được, để rút kinh nghiệm triển khai giai đoạn tiếp theo.
Đến nay, với tổng kinh phí 980,2 tỷ đồng, chương trình hỗ trợ của EVN được chính quyền và nhân dân đánh giá cao, góp phần vào sự nghiệp giảm nghèo, phát triển nhanh và bền vững của 3 huyện Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung.
Đặc biệt, năm 2018, các huyện Than Uyên, Tân Uyên là huyện điển hình của tỉnh Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo trong cả nước.
PV: Trong rất nhiều hoạt động mà EVN đã triển khai, theo ông, đâu là hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất?
Ông Dương Quang Thành: Các hoạt động hỗ trợ của EVN trong từng giai đoạn đều bám sát nhu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo việc hỗ trợ đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Mỗi hoạt động đều có ý nghĩa và mang lại những hiệu quả riêng trong công cuộc hỗ trợ các hộ gia đình, các địa phương xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững; góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Điển hình, với việc phát triển lưới điện nông thôn, EVN đã góp phần đưa Lai Châu từ tỉnh có tỷ lệ hộ dân có điện thấp nhất cả nước (chỉ có 37% số xã và 43% số hộ dân có điện năm 2008) đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia vào năm 2015 và đến cuối năm 2021, số hộ dân có điện là 97,7%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ 14 nhiệm kỳ 2021-2025. Riêng 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, tỷ lệ hộ dân có điện lưới quốc gia năm 2008 chỉ đạt 41% thấp hơn so với toàn tỉnh, đến năm 2021 đã đạt hơn 99,8%, cao hơn tỷ lệ hộ dân có điện lưới toàn tỉnh.
Điện lưới quốc gia đã tạo động lực, tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân khu vực nông thôn, miền núi. Có điện, giúp con em đồng bào các dân tộc thuận lợi hơn trong học tập, chất lượng giáo dục được tăng lên; hoạt động văn hóa, thông tin truyền thông được mở rộng, dân trí được mở mang. Đặc biệt, điện đã tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, người dân có thể yên tâm đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất theo hướng phi nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình…
Hay hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà bán trú dân nuôi, các trường dân tộc nội trú, nhà trẻ... đã góp phần duy trì sỹ số học sinh, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
Mô hình sản xuất nông nghiệp giúp bà con được tiếp xúc với tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp, từ đó có cơ sở phát triển mở rộng, vươn lên để thoát nghèo. Hoạt động xóa nhà tạm đã mang lại chỗ ở ổn định, niềm tin cho các hộ nghèo, gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống...
|
Trong giai đoạn 2009-2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lai Châu giảm trung bình hàng năm là 5,14%, trong đó 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ giảm gần 6%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 30a đề ra.
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng mạnh, từ 8 triệu đồng/người năm 2008 lên lên 41,7 triệu đồng/người năm 2020 (tăng 5,2 lần).
Đối với các huyện được EVN hỗ trợ, mức tăng thu nhập bình quân đầu người đều cao hơn so với toàn tỉnh.
|
PV: Để có được những thành quả này, EVN đã vượt qua những khó khăn, thách thức nào trong quá trình triển khai, thưa ông?
Ông Dương Quang Thành: Để có được thành quả như ngày hôm nay, các đơn vị trực thuộc EVN được giao nhiệm vụ gồm: Công ty Điện lực Lai Châu, Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ nằm ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Nhiều thôn, bản chưa có đường giao thông nên công tác vận chuyển vật tư, thiết bị thi công gặp rất nhiều khó khăn. Thời tiết khu vực phía Bắc lại rất khắc nghiệt. Mùa mưa liên tục kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm gây sạt lở đường, khiến công tác vận chuyển vật tư thiết bị đến chân công trình rất gian nan, có khi những thời điểm bị ngưng trệ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, địa hình chia cắt phức tạp, mật độ dân cư sống không tập trung làm cho chi phí sản xuất, chi phí đầu tư cấp điện cho các hộ dân cao hơn các khu vực khác trong cả nước.
Công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện cũng gặp một số khó khăn, nhất là những đoạn tuyến đi qua khu vực trồng cây cao su, rừng phòng hộ.
Trong sản xuất nông nghiệp, một bộ phận người dân được hỗ trợ từ chương trình có tư liệu sản xuất còn hạn chế, diện tích đất đai canh tác nhỏ, trình độ kỹ thuật thấp, nên khi kết thúc giai đoạn hỗ trợ không tự mở rộng và phát triển được…Mặc dù quá trình thực hiện chương trình 30a có nhiều khó khăn vất vả nhưng EVN rất vui mừng vì đã góp phần giúp bà con miền núi thoát nghèo.
Sự đồng hành, hỗ trợ của EVN trong chương trình 30a đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi của các huyện Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên
|
PV: Khó khăn là vậy, đâu là những bài học kinh nghiệm để EVN thực hiện thành công Nghị quyết 30a, thưa ông?
Ông Dương Quang Thành: Công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển nhanh và bền vững là sự nghiệp lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, EVN xác định, quá trình thực hiện phải kiên trì, tránh chủ quan nóng vội, bệnh thành tích. Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện.
Trong việc bố trí nguồn vốn, tập đoàn và địa phương đã ưu tiên và bố trí kịp thời cho các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo cần sự hỗ trợ; thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả.
Trên cơ sở các chương trình EVN hỗ trợ, các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, giải pháp, cách thức tổ chức cụ thể trên địa bàn; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, công khai và được cộng đồng thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và thực hiện.
Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện được tổ chức thường xuyên, từ việc xác định đúng đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi; thông qua đó để hạn chế các tiêu cực, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nội dung và mục tiêu hỗ trợ.
Đến nay, chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung, chúng tôi rất vui mừng khi đã đóng góp được một phần công sức của mình trong đó; đồng thời cũng tự hào khi đã thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền.
Ngoài hoàn thành Nghị quyết 30a Chính phủ giao, EVN cũng đã và đang triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội trên cả nước; phối hợp với nhiều địa phương hoàn thành chỉ tiêu về điện trong 19 chỉ tiêu về nông thôn mới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!