Giảm nghèo nhanh và bền vững
|
Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ ban hành về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; trong đó, EVN được phân công hỗ trợ 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên (tỉnh Lai Châu). |
Ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, khẳng định: Chương trình 30a được EVN triển khai tại tỉnh Lai Châu rất thành công. Tập đoàn đã hỗ trợ 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ rất nhiều nội dung như: phát triển lưới điện nông thôn; xóa nhà tạm; xây dựng nhà bán trú dân nuôi, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, trường học nội trú, bán trú; hỗ trợ đào tạo và bố trí việc làm; hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông nông thôn; đào tạo khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp…
Sự đồng hành hơn 10 năm qua của EVN đã góp phần cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục; củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Cũng theo ông Trần Tiến Dũng, những kết quả trong giai đoạn vừa qua là một trong những tiền đề, động lực quan trọng để tỉnh Lai Châu thực hiện thành công các mục tiêu trong giai đoạn tới.
Đường giao thông nông thôn tại các thôn, bản ở xã Mường Mít, huyện Than Uyên được EVN hỗ trợ xi măng để cứng hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện và phục vụ hiệu quả cho hoạt động giao thương
|
Chương trình hỗ trợ 3 huyện nghèo Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ theo Nghị quyết 30a được EVN thực hiện từ năm 2009. EVN đã phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu, UBND các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ tổ chức khảo sát thực trạng, nhu cầu hỗ trợ, nghiên cứu đề xuất các nội dung hỗ trợ nhằm tạo sự chuyển biến giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững trên cơ sở các thế mạnh của EVN và phù hợp với đặc điểm, nhu cầu từng huyện và người dân, từng giai đoạn.
|
Trong giai đoạn 2009-2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lai Châu giảm trung bình hàng năm 5,14%, trong đó 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ giảm gần 6%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 30a đề ra. |
Cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của EVN tại 3 huyện đã thực sự đi vào cuộc sống, đến được với người dân. Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2020, huyện Than Uyên và huyện Tân Uyên là 2 huyện điển hình của tỉnh Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo trong cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Cải thiện đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa
Bà Đèo Thị Chân (bản Nậm Cáy, xã Khang Thèn, huyện Phong Thổ) là một trong những hộ gia đình chính sách được EVN hỗ trợ xây dựng nhà ở từ năm 2009. Trước đó, căn nhà gỗ nhỏ của gia đình trống trước hụt sau, mùa mưa bão hay đêm đông giá buốt thì vô cùng vất vả. Từ khi được ngành Điện hỗ trợ xây dựng nhà, bà mới được "ăn ngon, ngủ yên" chứ không phải nơm nớp lo lắng nữa. “Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và ngành Điện nhiều lắm”, bà Chân chia sẻ.
Anh Phùng A Cung hiện đang là trực chính của Nhà máy Thủy điện Bản Chát (Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát). Anh là một trong rất nhiều con em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa ở 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ được ngành Điện cử đi học và hỗ trợ bố trí việc làm sau khi ra trường. Anh Cung chia sẻ, vì hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nên ước mơ theo học cao đẳng, đại học thực sự quá xa vời. Rất may, năm 2010, anh được ngành Điện cho đi học và khi tốt nghiệp được nhận về làm việc tại Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát. Giờ đây, anh đã có một công việc tốt với thu nhập ổn định và cũng được ở gần gia đình.
Bà Đèo Thị Chân (bản Nậm Cáy, xã Khang Thèn, huyện Phong Thổ) nhớ lại niềm vui khi được nhận ngôi nhà mới do EVN hỗ trợ xây dựng vào năm 2009
|
Theo ông Mai Tống Giang, Giám đốc Công ty Thủy Điện Huội Quảng – Bản Chát, công ty đã tiếp nhận 19 lao động là con em các gia đình chính sách, hộ nghèo tại địa phương sau khi tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc. Sau đó, công ty tiếp tục đào tạo từ 6 tháng đến 1 năm để các em nắm được dây chuyền vận hành. Hiện nay, các em đều đáp ứng được yêu cầu công việc, trở thành công nhân vận hành, sửa chữa tại đơn vị.
Chương trình 30a do EVN hỗ trợ với rất nhiều hoạt động đã góp phần cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương, nhất các hộ nghèo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở 3 huyện Than Uyên, Uyên, Phong Thổ. Điển hình, chương trình phát triển lưới điện nông thôn đã góp phần "xóa vùng lõm" về điện, tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Người dân có thể yên tâm đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất theo hướng phi nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Lai Châu là một tỉnh miền núi, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là những thôn bản vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, việc hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông nông thôn đã “mở đường” cho việc thông thương, gián tiếp hỗ trợ sinh kế, thúc đẩy phát triển sản xuất cho bà con trên địa bàn 3 huyện.
Có thể nói, với nguồn lực lớn, quyết tâm cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện hiệu quả Chương trình 30a tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), mang lại giúp các địa phương giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Những hoạt động nổi bật trong Chương trình 30a của EVN tại Lai Châu:
- Hỗ trợ phát triển lưới điện nông thôn, tập trung cho các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có điện, với tổng chi phí đầu tư trên 848 tỷ đồng, đưa Lai Châu từ tỉnh có tỷ lệ số hộ dân có điện thấp nhất cả nước (chỉ có 37% xã và 29,4% hộ dân có điện năm 2009) đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia vào năm 2015 và đến năm 2021, tỷ lệ hộ dân có điện là 97,7%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ 14 nhiệm kỳ 2021-2025.
- Hỗ trợ xóa 2.511 nhà tạm, với tổng chi phí 13,115 tỷ đồng.
- Hỗ trợ xây dựng 56 “nhà bán trú dân nuôi” với tổng chi phí 28,6 tỷ đồng.
- Hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho 24 điểm trường mầm non tại trung tâm các xã, với tổng giá trị 21,1 tỷ đồng.
- Hỗ trợ xây dựng 4 trường học tại các huyện Tân Uyên, Phong Thổ với tổng kinh phí 40,5 tỷ đồng.
- Hỗ trợ đào tạo và bố trí việc làm cho 59 học sinh là con em các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ văn hoá.
- Hỗ trợ kinh phí mua và cung cấp 6.749 tấn xi măng để làm 72,7km đường giao thông thôn bản tại các xã xây dựng nông thôn mới với chi phí 12,76 tỷ đồng.
- Đào tạo khuyến nông khuyến lâm, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp với kinh phí 9,5 tỷ đồng.
- Các hỗ trợ khác: triển khai các hoạt động hỗ trợ về y tế, ủng hộ các đồ dùng thiết yếu cho các em học sinh bán trú và hỗ trợ sửa chữa, hướng dẫn các hộ dân nghèo, hộ dân tộc các hộ dân tái định cư sử dụng điện an toàn, tiết kiệm….
|