Thực hiện Nghị quyết 30a ở Lai Châu: EVN tiếp tục giúp các địa phương thoát nghèo

194 tỷ đồng là số tiền Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ 3 huyện Than Uyên, Phong Thổ, Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu đưa thu nhập bình quân đầu người của 3 huyện tăng gấp 2 lần năm 2015 và có ít nhất 50% số huyện thoát nghèo bền vững.

Năm 2020: 100% hộ dân được sử dụng điện

Trong số 194 tỷ đồng nêu trên, EVN sẽ dành hơn 122,5 tỷ đồng đầu tư các công trình đưa điện lưới quốc gia về các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn “trắng điện”. Riêng năm 2016, EVN đã hoàn thành cấp điện cho hơn 1.500 hộ dân trên địa bàn 3 huyện, với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng. Việc đưa điện lưới quốc gia về với các thôn, bản chưa có điện đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân dân khu vực nông thôn. 

Đặc biệt, nhờ có điện lưới quốc gia, kinh tế hộ gia đình đã phát triển mạnh, từ sản xuất manh mún, tự phát, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, dịch vụ, góp phần xoá đói, giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Ông Lương Văn Tình - Trưởng bản Màu (xã Nầm Xe, huyện Phong Thổ) chia sẻ, không thể nói hết những cái lợi khi có điện lưới quốc gia. Có điện là có ánh sáng. Bà con sử dụng máy thái chuối để nuôi con lợn; biết dùng máy để làm bún, làm miến, không còn phải làm thủ công. Mùa hè nóng, bà con có quạt điện để dùng. Đời sống dân bản ngày càng được nâng lên đáng kể.

Có điện, con em đồng bào các dân tộc có đủ ánh sáng để học tập, từ đó, chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp không ngừng được nâng lên. Điện về các thôn, bản cũng góp phần củng cố mạng lưới y tế cơ sở, mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; hoạt động văn hóa thông tin truyền thông được đẩy mạnh, nhận thức và trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc miền núi ngày càng được nâng cao.

Dự kiến, từ nay đến năm 2020, EVN sẽ tiếp tục đầu tư cấp điện cho 1.867 hộ dân, với tổng giá trị đầu tư khoảng 80,37 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020, hầu hết 100% hộ dân ở 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ có điện sử dụng.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo ở 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ

Tiếp tục hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn 

Bên cạnh việc cung cấp điện, EVN còn đồng hành cùng ngành Giáo dục - Đào tạo các địa phương, xây dựng các trường học, giúp học sinh các dân tộc vùng cao được học tập, sinh hoạt trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp. 

Cụ thể, Tập đoàn hỗ trợ 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ xây dựng nhà bán trú dân nuôi, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học; hỗ trợ mua lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm... Đồng thời, EVN cũng trao hàng trăm suất học bổng, phần quà cho học sinh nghèo vượt khó có thành tích học tập tốt. Sự hỗ trợ thiết thực của EVN không chỉ cải thiện điều kiện sinh hoạt và học tập cho các em học sinh mà còn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các trường trên địa bàn.

Đặc biệt, EVN còn hỗ trợ các địa phương “cứng hóa” đường giao thông thôn, bản. Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu (PC Lai Châu) cho biết, hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn là một nội dung mới của Chương trình 30a giai đoạn 2016-2020. Theo đó, EVN sẽ hỗ trợ kinh phí mua xi măng; người dân đóng góp cát, đá và nhân công; riêng việc đền bù, giải phóng mặt bằng, người dân và chính quyền địa phương sẽ thống nhất...  

“Trong năm 2016, chúng tôi đang thí điểm tại một số địa phương, với tổng giá trị tiền xi măng 500 triệu đồng/huyện. Sau đó, sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng trong các năm tiếp theo. Hiện nay, PC Lai Châu đã vận chuyển xi măng đến tận chân các công trình trên địa bàn huyện Tân Uyên, Phong Thổ”, ông Thọ cho hay.

Tiếp tục sát cánh cùng 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ trong công cuộc giảm nghèo, EVN đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2015 và có ít nhất 50% số huyện thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, EVN cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Lai Châu là tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt, hạ tầng giao thông nông thôn còn kém phát triển nên việc vận chuyển vật liệu, thiết bị gặp không ít khó khăn. Mặt khác, đặc thù thời tiết mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ các công trình... Trong khi đó, đa số các nội dung của Nghị quyết 30a như đưa điện về nông thôn, xây trường học, hỗ trợ đường giao thông, xây nhà bán trú dân nuôi… đều phải vận chuyển vật liệu, thiết bị.

Xác định khó khăn là rất lớn, EVN và các đơn vị thành viên đã và đang phối hợp kịp thời với các địa phương và người dân liên quan, bàn bạc, thống nhất kế hoạch thực hiện, để chương trình 30a giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả cao nhất. 

Các nội dung thực hiện Chương trình 30a giai đoạn 2016-2020 của EVN:
- Phát triển mở rộng lưới điện nông thôn;
- Xây dựng nhà bán trú dân nuôi;
- Xây dựng trường học dân tộc nội trú;
- Xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo;
- Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, cải thiện đời sống học sinh;
- Hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông thôn bản;
- Các hỗ trợ khác: Hỗ trợ trang bị đồ dùng y tế thiết yếu, đồ dùng học tập, chăn màn...

Kết quả Chương trình 30a EVN hỗ trợ tại Lai Châu giai đoạn 2009-2015:
- Tổng vốn đầu tư 575 tỷ đồng;
- Xóa nhà tạm cho 2.511 hộ, chiếm 83,6% số nhà tạm được xóa trên toàn tỉnh;
- Giúp 16.098 hộ thoát nghèo, chiếm gần 50% số hộ thoát nghèo của toàn tỉnh;
- Đầu tư lưới điện nông thôn, cấp điện cho 18 xã “trắng điện”, các thôn, bản chưa có điện tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ;
- Đưa Lai Châu từ một tỉnh có số hộ đân được sử dụng điện lưới quốc gia thấp nhất cả nước năm 2009 (chỉ 37% số xã và 29,4% số hộ dân có điện) lên 100% số xã và 84,8% số hộ dân được sử dụng điện. Riêng 3 huyện do EVN hỗ trợ có 92,5% số hộ dân được sử dụng điện, vượt chỉ tiêu đề ra là 90% số hộ dân có điện vào năm 2015;
- Xây dựng 41 nhà bán trú dân nuôi;
- Xây dựng 2 trường học tại huyện Tân Uyên;
- Đào tạo khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp;
- Mở 3 lớp đào tạo nghề cho con em các hộ nghèo, gia đình chính sách;
- Mua bảo hiểm y tế cho 4.278 học sinh trong 3 năm học từ 2009-2011;
- Thí điểm cấp điện cho 51 hộ dân chưa có điện: Mỗi hộ dân được cấp 1 xe đạp phát điện, 2 bóng đèn tiết kiệm và 1 đài FM (loại nhỏ).

 


  • 16/01/2017 10:39
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8879