PV: Thưa ông, tính đến thời điểm này, Công ty đã chuẩn bị như thế nào để ứng phó với mùa mưa bão đang cận kề?
Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình
|
Ông Nguyễn Văn Minh: Đến cuối tháng 5, Công ty đã kết thúc toàn bộ công tác sửa chữa, bảo dưỡng những hạng mục liên quan trực tiếp đến phòng chống bão lũ như các tổ máy, đập tràn xả lũ, hệ thống điện tự dùng, thiết bị thông tin liên lạc,... chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng thiết yếu.
Công ty cũng đã tổng hợp kết quả quan trắc, tình trạng đập và hồ chứa để báo cáo các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, kiện toàn Ban Chỉ huy, Đội xung kích PCTT&TKCN; hoàn thiện các phương án bảo đảm an toàn đập, an toàn hạ du trong mùa mưa bão và Quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác PCTT&TKCN.
Tính tới ngày 14/6/2019, mực nước hồ Hòa Bình còn xấp xỉ 90 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 17 m. Đây là dung tích rất lớn để sẵn sàng đón lũ và cắt, giảm lũ cho hạ du.
Mới đây, các đoàn kiểm tra của EVN, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình đều đánh giá công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai của Công ty được thực hiện tốt.
Hội đồng Tư vấn Khoa học và Công nghệ về an toàn các bậc thang thủy điện trên sông lưu vực sông Đà cũng đánh giá công trình an toàn ổn định, đủ điều kiện sẵn sàng đón lũ năm 2019.
EVN cũng vừa tiếp nhận bản đồ ngập lụt hạ du đập thủy điện Hòa Bình từ Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và đang chuẩn bị bàn giao cho Công ty. Đây cũng là một phần tài liệu quan trọng để xây dựng Phương án ứng phó thiên tai và tình huống khẩn cấp công trình thủy điện Hòa Bình.
PV: Đối với bà con nhân dân vùng hạ du thủy điện, công tác tuyên truyền vận động thu dọn lòng sông được Công ty phối hợp với chính quyền địa phương triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Minh: Theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc thu dọn lòng sông ở hạ lưu thủy điện Hòa Bình là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Dù vậy, chúng tôi cũng chủ động tham gia cùng các sở, ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình kiểm tra tình trạng hành lang thoát lũ, các hoạt động SXKD và sinh hoạt người dân phía hạ du như khai thác cát, sỏi, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá,...
Đồng thời, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tuyên truyền đến bà con dân chài phải chấp hành luật giao thông đường thủy và chủ động phòng tránh lũ, di chuyển lồng cá, bè mảng, nhà nổi vào vị trí an toàn trước mùa mưa lũ. Bà con cũng được ký cam kết không vi phạm vùng nước cấm hạ lưu đập thủy điện.
Tính đến nay, hạ du thủy điện Hòa Bình cơ bản đảm bảo hành lang thoát lũ, không còn tình trạng người dân vi phạm dưới hạ lưu.
Hạ du thủy điện Hòa Bình đã được thu dọn, đảm bảo hành lang thoát lũ trước mùa mưa bão năm nay
|
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, đối với các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng, việc tính toán lưu lượng nước về hồ cần theo giá trị thực để hạn chế thiệt hại do mưa lũ bất thường. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Ông Nguyễn Văn Minh: Công tác tính toán, điều tiết hồ chứa theo thời gian thực luôn là mục tiêu hướng tới đối với tất cả các hồ chứa, bao gồm thủy điện Hòa Bình.
Thủy điện Hòa Bình là bậc thang cuối cùng trên bậc thang thủy điện sông Đà. Việc điều tiết nước có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng hạ du rộng lớn, gồm cả thủ đô Hà Nội. Bởi vậy, vận hành hồ chứa theo thời gian thực không chỉ nhằm mục tiêu giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra cho hạ du, mà còn giúp vận hành an toàn công trình, tránh lãng phí do xả thừa, nâng cao hiệu quả phát điện,…
Hiện nay, EVN đang tiến hành lập Đề án tính toán vận hành hồ chứa bậc thang thủy điện sông Đà theo thời gian thực. Mục tiêu đặt ra là thu thập được đầy đủ, tức thời các thông tin về thời tiết, thủy văn; kịp thời tính toán đưa ra phương án điều tiết nước hợp lý, bảo đảm vận hành hồ chứa an toàn và hiệu quả nhất.
PV: Vâng, cảm ơn ông!