Vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX, công trình Thuỷ điện Trị An tại Đồng Nai mang ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu dân sinh ở miền Nam, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị xã hội thời kỳ sau giải phóng.
Theo đó, Thủy điện Trị An đã đảm bảo nguồn điện cho 16 tỉnh, thành phía Nam; đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 20.000 ha ruộng, đất khu vực hạ lưu...
Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An tặng bức ảnh về công trình Thủy điện Trị An cho ông Alexey Popov, Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TP.HCM |
Để xây dựng công trình Thủy điện Trị An phải đào lắp 23 triệu m3 đất đá, 580.000 m3 bê tông, 73.000 tấn kết cấu thép và thiết bị, huy động số lượng công nhân bình quân từ 8.000 - 10.000 người tại công trường, cao điểm nhất đạt đến 19.000 người (năm 1987).
Những con số ấn tượng này cho thấy, việc xây dựng Thủy điện Trị An đã huy động được các nguồn lực và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân Đồng Nai phải di dời nơi ở để phục vụ xây dựng công trình.
Và đặc biệt hơn, để hoàn thành công trình này trong thời gian ngắn nhất, Liên Xô đã cử khoảng 500 chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên đến Đồng Nai hỗ trợ. Đồng thời, giúp Việt Nam đào tạo lực lượng lao động có trình độ, có thể tiếp quản, vận hành công trình sau khi đội ngũ chuyên gia Liên Xô rút về nước.
Sau những tháng ngày lao động cật lực của cán bộ, công nhân Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô, ngày 30/4/1988, tổ máy số 1 của Thủy điện Trị An chính thức vận hành và hoà vào lưới điện quốc gia. Với công suất 400 MW vào thời điểm đó, Thủy điện Trị An có công suất lớn thứ 2 trên cả nước.
Từ đó tới nay, Nhà máy Thủy điện Trị An đã vận hành an toàn, liên tục, có hiệu quả, đảm bảo đúng phương thức vận hành, thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của công trình.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Nai Bùi Ngọc Thanh nhấn mạnh: Việt Nam và Liên Xô trước đây, Liên bang Nga sau này, đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Riêng với tỉnh Đồng Nai, Nhà máy Thủy điện Trị An là thành quả của tình hữu nghị Việt – Xô. Trong giai đoạn thiếu điện tiêu dùng ở mức trầm trọng, Thủy điện Trị An ra đời có ý nghĩa kinh tế chính trị rất to lớn và tầm quan trọng quyết định đối với hệ thống năng lượng miền Nam khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.
Ngày nay, Thủy điện Trị An vẫn là công trình đa mục tiêu với các chức năng điều tiết lũ, cấp nước, phát điện. Trong đó, vai trò điều tiết lũ đã giúp vùng hạ du bớt bị ngập lụt; mùa khô cũng đỡ bị xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất - sinh hoạt, giúp nông dân phát triển sản xuất.
Ông Alexey Popov, Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, nước Nga luôn ủng hộ việc phát triển mối quan hệ hợp tác, bình đẳng cùng có lợi với tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt - Nga sẽ được củng cố và phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Đinh Liên
Share