Về điện gió ngoài khơi, Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển, và thuận lợi trong việc hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.
Theo Sở Công Thương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 ưu thế, thuận lợi để phát triển về điện gió ngoài khơi. Đó là tiềm năng năng lượng gió khi có tốc độ gió 8÷10m/s ở độ cao trung bình 100m; đất dưới mặt biển tương đối bằng phẳng; độ sâu đáy biển 20-40m như Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố.
Trên địa bàn đã có các doanh nghiệp sản xuất phục vụ ngành điện gió ngoài khơi; cùng với hệ thống cảng biển nước sâu và hạ tầng lưới điện tương đối hoàn chỉnh. Đồng thời, việc phát triển điện gió sẽ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại chỗ cho vùng Đông Nam Bộ; ít tốn kém trong việc đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất.
Ngoài ra, trong việc phát triển điện gió ngoài khơi có thể kết hợp sản xuất hydrogen nhằm đảm bảo phát triển năng lượng theo hướng bền vững, hướng tới nguồn năng lượng sạch trong tương lai.
Địa phương cũng đề xuất cần phải có quy hoạch tổng thể và đồng bộ, cùng với cơ chế chính sách thực hiện để giải quyết các vấn đề còn đang vướng mắc.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh, phát triển năng lượng tái tạo nói chung và phát triển điện gió ngoài khơi được xem là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là một trong những mục tiêu lớn đặt ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiềm năng đã rõ, tuy nhiên để phát triển đột phá ngành điện gió ngoài khơi không chỉ tại Bà Rịa - Vũng Tàu mà trên cả nước thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, thiếu quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Link gốc