Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc CPMB
|
PV: Tiến độ thi công đường dây 500kV mạch 3 đang rất gấp rút, nhưng vướng mắc trong bồi thường - giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) khiến tiến độ chung của dự án chưa đáp ứng kế hoạch đặt ra. Ông có thể cho biết rõ hơn?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Đến ngày 10/2/2020, kết quả về kê kiểm phần móng đạt 99%, công tác bàn giao mặt bằng đạt 78%. Hiện tại, BT-GPMB vẫn đang là trở ngại lớn nhất.
CPMB đặt ra tiến độ bàn giao các vị trí móng về cơ bản hoàn thành trong cuối tháng 2/2020. Các vị trí móng điều chỉnh theo thiết kế và các vị trí còn vướng mắc, khó giải quyết sẽ cố gắng phấn đấu bàn giao vào cuối tháng 3/2020.
Đối với phần hành lang tuyến, đến nay đã kê kiểm đạt 70%, chi trả tiền đạt 40%. Tiến độ kê kiểm CPMB phấn hoàn thành toàn bộ trong tháng 3/2020 và phê duyệt chi trả tiền hoàn thành trong tháng 4/2020, nửa đầu tháng 5/2020 đối với những vị trí khó khăn. Tuy nhiên, việc chi trả tiền và bàn giao mặt bằng sẽ ưu tiên, phù hợp với tiến độ kéo dây theo từng khoảng néo đã đủ điều kiện để thi công, các khoảng néo theo nhà thầu đăng ký kéo dây, đảm bảo tiến độ tổng thể cho dự án.
PV: Được biết, một số tỉnh như Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum đã bàn giao được 100% mặt bằng. Giải pháp là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Ngay từ ban đầu, các ngành các cấp tại các địa phương này đã xây dựng kế hoạch cụ thể, rà soát những vướng mắc để họp, lấy ý kiến xin cấp thẩm quyền có chủ trương giải quyết.
Lãnh đạo tỉnh quan tâm sâu sát, điều hành từng bộ phận chuyên môn theo định kỳ trong các cuộc họp giao ban để có những chỉ đạo kịp thời. Các cấp chính quyền địa phương cấp huyện vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo phòng ban, bộ phận làm công tác BT-GPMB xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai theo tiến độ. Chính sách bồi thường, hỗ trợ của các địa phương tương đối rõ ràng và phù hợp thực tế. Cán bộ tham gia công tác BT-GPMB của địa phương tương đối trách nhiệm với công việc, tích cực xử lý những vướng mắc, không để kéo dài. Ngoài ra còn có sự đồng thuận cao của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Thực tế, tất cả các địa phương có dự án đi qua đã vào cuộc và triển khai rất quyết liệt, tuy nhiên một vài tỉnh do đồng thời điều hành nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn nên còn nhiều tồn tại về GPMB, điển hình như tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng. Đối với các địa phương này, CPMB thường xuyên cử lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát để xử lý công việc, tuy nhiên kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.
Giám đốc CPMB (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các nhà thầu về tiến độ thi công đường dây 500kV mạch 3 trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua
|
PV: Một số địa phương chậm tiến độ GPMB cho rằng vướng mắc chính trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng (MĐSDĐR). Xin ông cho biết cụ thể hơn vướng mắc này?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Thủ tục để chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án khá phức tạp, chuyển qua lại rất nhiều bộ ngành, nhiều cấp để kiểm tra rà soát, thời gian kéo dài nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ phê duyệt đầu tư xây dựng dự án.
Cùng với đó, dự án và diện tích chuyển đổi MĐSDĐR phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất 5-10 năm của tỉnh/thành được Chính phủ phê duyệt, ban hành Nghị quyết và phù hợp kế hoạch sử dụng đất được HĐND tỉnh thông qua hằng năm. Đây là nội dung thường gặp vướng mắc do các dự án thường không được UBND tỉnh cập nhật trong quy hoạch sử dụng đất 5 -10 năm và diện tích đất chủ đầu tư đăng ký kế hoạch sử dụng đất cho dự án chỉ là phần thu hồi đất tại phần móng trụ, nên diện tích chuyển đổi MĐSDĐR cả hành lang sẽ không tương ứng.
Ngoài ra, cũng chưa có quy định hay hướng dẫn nào của cấp có thẩm quyền về diện tích chuyển đổi MĐSDĐR cần phải thu hồi đất trong hành lang an toàn. Đối với đất rừng trong hành lang tuyến, sau khi chuyển đổi vẫn giao cho chủ rừng quản lý và sử dụng.
Đối với dự án ĐD 500kV mạch 3, do các thủ tục đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương, nên thủ tục triển khai tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất rừng cũng phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định. Thời gian từ khi trình hồ sơ để nộp tiền trồng rừng thay thế và làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng mất khoảng 6-8 tháng.
Vị trí cột 158 (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) do Công ty CP Sông Đà 11 thi công
|
PV: Nếu các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 3/2020 thì dự án có cơ bản đáp ứng được tiến độ hoàn thành vào tháng 6/2020 như kế hoạch không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Nếu các địa phương tích cực giải quyết để bàn giao mặt bằng trong tháng 3/2020 (kể cả hành lang tuyến an toàn), thì CPMB sẽ điều hành để đáp ứng được tiến độ đào đúc móng theo kế hoạch.
Tuy nhiên, việc dựng cột, kéo dây gặp một số khó khăn do vướng mắc liên quan một số gói thầu cung cấp cột thép, gói thầu cung cấp cách điện, gói thầu cung cấp tụ điện. Cùng với đó, công tác thi công dựng cột, kéo dây tập trung vào thời điểm tháng 3 - 6/2020 chủ yếu là lực lượng trèo cao. Lực lượng này của các đơn vị xây lắp còn phải triển khai nhiều dự án trên cả nước.
Với các rủi ro trên, chúng tôi đang cập nhật công tác BT-GPMB, cung cấp vật tư thiết bị và tính toán lại tiến độ để báo cáo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để xem xét chỉ đạo, hỗ trợ.
CPMB xác định rất rõ việc chậm tiến độ dự án này làm ảnh hưởng việc cấp điện cho miền Nam từ năm 2020 và những năm tiếp theo, nên CPMB đang đốc thúc các nhà thầu huy động tối đa lực lượng, khẩn trương thi công, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
PV: Xin cảm ơn ông!