Trong đợt COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM là bệnh viện hồi sức chuyên sâu tầng 3, chuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nặng của “Mô hình tháp 3 tầng điều trị COVID-19” trong chiến lược điều trị COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc bệnh viện cho biết, với 42 giường hồi sức và 100 giường có oxy trung tâm (thời điểm tháng 7/2021 – PV), bệnh viện không thể đáp ứng đủ nhu cầu bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng.
Còn tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, nơi chuyên tiếp nhận bệnh nhân thể nặng, nguy kịch, tình trạng khó khăn về hệ thống oxy cũng đã xảy ra. “Chúng tôi muốn triển khai mở rộng thêm các khu điều trị để đón thêm các bệnh nhân COVID-19 ở mức độ vừa. Tuy nhiên, điều khó khăn là hệ thống oxy tại bệnh viện chưa hoàn chỉnh” - ThS.BS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Trước thực tế đó, từ tháng 7/2021, các đơn vị của EVN có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng ủng hộ theo sự vận động của Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công Thương tại TP. Hồ Chí Minh. Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) đã tài trợ chính công trình hệ thống cung cấp khí oxy dòng cao và hệ thống hút chân không cho 504 giường bệnh của khu B (09 tầng), phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Cùng đó, các đơn vị ngành Điện cũng tài trợ chính triển khai các công trình hệ thống cấp oxy dòng cao, hệ thống cung cấp không khí và hệ thống hút chân không cho 378 giường của khu 5 tầng và khu nhiễm A, D phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần đảm bảo cho mục tiêu cấp bách nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP. Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, các đơn vị ngành Điện còn trực tiếp góp sức, tham gia triển khai lắp đặt các hệ thống cấp oxy, không khí tại các bệnh viện. Trong bối cảnh việc điều động nhân sự tham gia thi công tại vùng dịch hết sức khó khăn, việc Tổng công ty Phát điện 3 trực tiếp điều phối nhân sự tham gia thi công, nhằm tạo thể chủ động, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình. Theo đó, một “đội đặc nhiệm” khẩn trương được thành lập. 14 kỹ sư Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện – EVNGENCO 3 (EPS) được tuyển chọn, dựa trên tay nghề chuyên môn, sức khoẻ và sự tình nguyện.
“Thú thực, khi bắt đầu công việc tại các bệnh viện COVID-19, chúng tôi cũng đều thấy sợ. Tuy nhiên, trong điều kiện trực tiếp thấy rất tình cảnh nhiều bệnh nhân nằm đó mà thiếu oxy, anh em trong đội đã quyết tâm cùng nhau cố gắng hoàn thành sớm công trình” - Anh Trần Triết Khoa, Quản đốc phân xưởng Gia công - Phục hồi EPS, một thành viên “đội đặc nhiệm” cho hay.
Trong các bệnh viện chống COVID-19, các bác sỹ chạy đua với thời gian để cứu chữa, giữ sinh mạng cho từng bệnh nhân; còn các kỹ sư EPS cũng vội vã đua từng ngày, từng giờ để đẩy nhanh các công trình cấp oxy, cấp không khí với hy vọng sớm tiếp thêm nguồn thở cho người bệnh. Thường xuyên tăng ca, cả đội không quản mệt mỏi, làm tới 10-11 giờ đêm mỗi ngày. Nhờ đó, các công trình thi công, lắp đặt đều hoàn thành vượt tiến độ cả chục ngày và kịp thời bàn giao cho 2 bệnh viện ngay trong tháng 8/2021.
“Hệ thống oxy hoạt động ổn định sẽ giúp cho tất cả các bệnh nhân ở mức độ vừa chủ động đánh giá suy hô hấp kịp thời, giúp cho khoảng 70-80% bệnh nhân sẽ chuyển về nhẹ. Qua đó, giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh, cũng như giảm chi phí, sức lực mà chúng ta phải bỏ ra trong cuộc chiến chống COVID-19”, ThS.BS Nguyễn Tri Thức cho hay.
ATM oxy miễn phí cho người dân
Lãnh đạo EVNGENCO 3 (ngoài cùng bên trái) và đại diện Đoàn khối cơ sở Bộ Công Thương tại Thành phố Hồ Chí Minh trao 100 bình oxy cho đại diện Thành đoàn Thành phố Thủ Đức
|
Từ lúc đi vào hoạt động (ngày 20/8), đường dây nóng của chương trình "ATM oxy Thủ Đức" 0812.286.153 liên tục tiếp nhận những cuộc gọi không kể ngày, đêm. Đó là những bà con có người thân là F0, cần gấp bình oxy để hỗ trợ thở.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, một nguồn oxy nữa đã được EVNGENCO 3 tiếp sức cho người bệnh nhiễm COVID-19: 100 bình oxy loại 9 lít/bình kèm kíp thở đã được tổng công ty trao cho đơn vị đầu mối để hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà trong trường hợp cần trợ thở. Số lượng bình oxy này đã được sắp xếp tại 4 trạm phân phối, thuộc 3 trạm y tế phường và 1 trạm tại Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên Tổng công ty Phát điện 3 cũng tạo kênh Zalo, Facebook “ATM Oxy Thủ Đức” để tiếp nhận thông tin, nhu cầu oxy từ người dân trên địa bàn. Người dân chỉ cần alo, nhắn tin là sẽ có các tình nguyện viên của chương trình chở oxy miễn phí tận nhà.
“Khi chương trình ATM oxy được tổ chức, có nhiều ca bệnh đã được các tình nguyện viên kịp thời hỗ trợ, xử lý. Có những ca cấp cứu khó thở đã được chương trình kịp thời vận chuyển oxy đến, giúp bệnh nhân kịp thời thở” – ông Phan Bửu Đảo, Phó Chánh Văn phòng EVNGENCO 3, đại diện đơn vị tài trợ cho hay.
Theo Bác sỹ CK II Phạm Xuân Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, đối với các trạm y tế phường, ngày nào, đêm nào cũng đều có các bệnh nhân cần hỗ trợ, đặc biệt là các ca dương tính người lớn tuổi trở nặng. Do đó, các bình oxy nhỏ, tiện lợi đặt tại các trạm y tế đã góp phần duy trì tình trạng sức khoẻ cho nhiều người dân trên địa bàn.
Thực tế, nhu cầu oxy y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 tại “vùng nóng” TP. Hồ Chí Minh là rất cao. Trao oxy - nối dài sự sống; việc các đơn vị trong ngành Điện tài trợ hệ thống cấp oxy cho bệnh nhân ở các bệnh viện, cũng cấp ATM oxy tại nhà dân là những hành động rất ý nghĩa, thiết thực góp phần không xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn oxy y tế, thắp lên cơ hội chữa trị thành công, cùng đẩy lùi đại dịch ở TP. Hồ Chí Minh.
Một số hoạt động ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 của EVN:
- Trong 2 năm 2020, 2021, EVN thực hiện 5 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng.
- Đợt dịch từ cuối tháng 4/2021 tới tháng 9/2021, EVN và các đơn vị thành viên ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch với tổng số tiền khoảng 560 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đã ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 số tiền 400 tỷ đồng.
- Ủng hộ 24.000 máy tính (tương đương 60 tỷ đồng) cho chương trình "Sóng và máy tính cho em”...
|