Tiết kiệm điện: Chuyện nhỏ hay… quốc gia đại sự?

09:00, 13/11/2023

Trước những khó khăn hiện hữu trong việc trong việc đảm bảo cung cấp điện cho năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, bên cạnh việc quyết liệt thực thi những giải pháp để tăng cường khả năng sản xuất, cung ứng điện thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng, vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài, bền vững.

Cần hành động quyết liệt 

Trong nhiều năm qua, việc cung ứng điện cho nền kinh tế luôn được đảm bảo, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội. Tuy nhiên, xét bối cảnh nguồn cung ứng điện dài hạn còn gặp nhiều thách thức, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

Trên thực tế, hệ thống điện đã phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng cung cầu điện vào các tháng 5 và 6 vừa qua, đặc biệt là khu vực miền Bắc, khi nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng đột biến. Điển hình, vào ngày 6/5/2023, hệ thống điện quốc gia đã ghi nhận mức tiêu thụ điện kỷ lục gần 895 triệu kWh. Tiếp đó, mức tiêu thụ điện lại tiếp tục tăng đột biến vào ngày 19/5/2023 với 924 triệu kWh. Trong khi đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thiếu nhiên liệu và một số tổ máy nhiệt điện than bị sự cố do vận hành trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài khiến việc đảm bảo cung cấp điện “xếp chồng” khó khăn. Trước bối cảnh trên, tiết kiệm điện chính là giải pháp cấp bách, cần được triển khai một cách hiệu quả nhất. Nếu như trước đây, chúng ta tập trung nhiều về việc tuyên truyền tiết kiệm điện thì hiện nay, tiết kiệm điện phải chuyển biến thành hành động, thói quen của mỗi doanh nghiệp, mỗi công sở, mỗi cá nhân, gia đình. Có thể thấy, tiết kiệm điện ngày nay không còn là câu chuyện của riêng ngành Điện mà còn là trách nhiệm của toàn cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố đã điều chỉnh thời gian tắt đèn hệ thống chiếu sáng công cộng sớm hơn để chung tay tiết kiệm điện. Ảnh: ĐVCC

Nhìn lại cao điểm mùa khô năm 2023, ngay sau khi nhận được kêu gọi tiết kiệm điện của Bộ Công Thương và EVN, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường tiết kiệm điện, đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn. Với các giải pháp quyết liệt, từ ngày 17/5/2023 - 16/6/2023, cả nước đã tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh, góp phần tích cực trong đảm bảo cân bằng cung cầu điện.

Tại hội nghị “Tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng”, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) khẳng định, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường trước, trong khi nhu cầu phụ tải được dự báo sẽ ngày càng tăng cao. Để chuẩn bị cho các diễn biến bất thường có thể xảy ra tại các thời điểm nắng nóng trong các năm tiếp theo, mỗi cá nhân, tổ chức cần hành động quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện.

Tiên phong trong tiết kiệm kiệm

Là một trong những đơn vị sản xuất và phân phối điện năng, CBCNV EVN hiểu rõ giá trị, tầm quan trọng của mỗi một kWh điện. Do đó, ngoài việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động doanh nghiệp, người dân thực hiện tiết kiệm điện thì bản thân mỗi CBCNV EVN luôn tiên phong trong công tác này. Từ năm 2017, nhiều đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Bên cạnh đó, tại trụ sở EVN và các đơn vị đều sử dụng các phương tiện, thiết bị dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

Trong những tháng cao điểm mùa khô, trước khi có Công điện 379/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của các cấp về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước,... Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động thực hiện hàng loạt các giải pháp tiết kiệm điện trong toàn EVN. Cụ thể, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên áp dụng mọi biện pháp triệt để tiết kiệm điện tại cơ quan. Mỗi đơn vị tiết giảm điện tối thiểu 10% so với cùng kỳ năm 2022; riêng trong các tháng cao điểm năm nay (tháng 5,6,7) tiết giảm tối thiểu 15% so với cùng kỳ năm 2022. EVN yêu cầu các đơn vị thành viên tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ công nhân viên và người thân, gia đình về chính sách, pháp luật về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; về tình hình khó khăn trong cung ứng điện; kêu gọi mọi người triệt để thực hành các biện pháp tiết kiệm điện. Các đơn vị vận động gia đình công nhân viên thực hiện tiết kiệm điện tối thiểu 10% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên áp dụng mọi biện pháp triệt để tiết kiệm điện. Trong ảnh, Công ty Thủy điện Hòa Bình tiết giảm 50% đèn chiếu sáng ở đường hầm vào các gian máy. Ảnh: ĐVCC

EVN cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh thông tin (qua bản tin nội bộ/email…) số liệu điện năng tiêu thụ hàng ngày/tuần/tháng của đơn vị để CBCNV biết và thực hành tốt hơn; thông tin về những nơi, bộ phận chưa thực hành tốt; theo dõi, kiểm điểm định kỳ hàng tháng những đơn vị/bộ phận chưa thực hành tốt các giải pháp tiết kiệm điện tại cơ quan; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo và thực hành tiết kiệm điện; đưa nội dung thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và thi đua khen thưởng hàng năm của người đứng đầu đơn vị.

Bên cạnh đó, trong những tháng nắng nóng cao điểm vừa qua, tại trụ sở EVN và các đơn vị thành viên của EVN có trụ sở tại các tỉnh, thành phố miền Bắc đã quyết liệt triển khai ngay các biện pháp cấp bách như: không sử dụng điều hòa không khí tại các phòng làm việc, các khu vực công cộng (hành lang, sảnh...) khi nhiệt độ ngoài trời dưới 35 độ C; hạn chế sử dụng đèn chiếu sáng, tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên; sẵn sàng huy động máy phát điện khi có yêu cầu; ưu tiên sử dụng trang phục ngắn tay, lịch sự,...

Bên cạnh các giải pháp trên, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty đã chủ động làm việc với 63/63 tỉnh, thành phố về việc phối hợp trong công tác đảm bảo cung ứng điện, đẩy mạnh các hoạt động sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Có thể nói, tiết kiệm điện chính là giải pháp quan trọng giúp ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra. Việc sử dụng điện tiết kiệm, giảm lãng phí điện là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và xây dựng một hệ thống năng lượng bền vững. Trước bối cảnh cung ứng điện còn nhiều khó khăn trong năm 2024 và các kịch bản đảm bảo điện đang được gấp rút triển khai, thì tiết kiệm điện vẫn được xem là giải pháp có hiệu quả cao, cần được ưu tiên đẩy mạnh. Tin rằng, bên cạnh những giải pháp kỹ thuật của ngành Điện thì sự chung tay tiết kiệm điện của toàn cộng đồng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cung cấp điện 2024 và những năm tiếp theo. Đã đến lúc, chúng ta cần biến “Tiết kiệm điện – Thành thói quen”.


H.Linh

Share