Ông Trần Nhật Minh - Phó giám đốc Công ty CP nhựa Tiền Phong:
Thực hiện nhiều giải pháp về quản lý và kỹ thuật
Năm 2022, sản lượng tiêu thụ điện của Công ty CP nhựa Tiền Phong là hơn 43 triệu kWh. Là doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện tương đối cao, điện năng chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, chúng tôi nhận thức việc sử dụng điện tiết kiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chính vì vậy, thời gian qua chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý và kỹ thuật để sử dụng điện tiết kiệm.
Một giải pháp hữu hiệu mà chúng tôi đã triển khai đó là thay thế các thiết bị ít tiêu hao điện năng vào dây chuyền sản xuất như: sử dụng tháp giải nhiệt nước với công suất chỉ 7,5kW thay thế cho máy làm lạnh nước có công suất 40kW để cấp nước làm mát cho các máy tạo hạt; thay thế các đèn cao áp 250W bằng đèn LED cao áp 120W có hiệu suất phát quang cao tại các khu vực xưởng sản xuất; sử dụng 100% đèn chiếu sáng LED tiết kiệm điện 100W tại khu vực nhà xưởng và đường nội bộ; tiết giảm điện tiêu thụ cho hệ thống khí nén bằng cách lắp biến tần cho động cơ nén khí và khắc phục kịp thời các điểm rò rỉ khí nén trên hệ thống…
Bên cạnh đó, công ty thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị tiêu thụ điện để tránh làm hao tổn điện năng.
Về giải pháp quản lý, công ty đã xây dựng định mức điện tiêu thụ từ đầu năm và tổng hợp, đánh giá kết quả sử dụng điện hàng tháng của các nhà máy sản xuất. Đồng thời, giao chỉ tiêu tiết kiệm điện cho các đơn vị sản xuất để nâng cao ý thức cho từng bộ phận và cán bộ công nhân viên.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải (DR) đã ký kết với Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, lãnh đạo công ty giao bộ phận kỹ thuật điện làm đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ngành Điện để trao đổi, cập nhật thông tin trực tiếp, kịp thời.
Với những giải pháp đồng bộ trên, chúng tôi tự hào là một trong những công ty hàng đầu đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng trong ngành Nhựa giai đoạn 2015 - 2021 của Bộ Công Thương, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng điện phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp cũng như của thành phố.
Ông Trương Văn Lợi - Giám đốc Công ty CP Xi măng Long Sơn:
Phân loại dây chuyền sản xuất, sẵn sàng tham gia chương trình DR
Là một trong những khách hàng tiêu thụ điện lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi xác định trách nhiệm của mình là góp phần đảm bảo ổn định cung cấp điện. Việc thực hiện tiết kiệm điện - chính là tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng. Do đó, thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp rất tốt với Công ty Điện lực Thanh Hóa để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR).
Để phối hợp thực hiện tốt công tác DR, chúng tôi đã phân loại dây chuyền sản xuất ra nhiều hạng mục, qua đó đánh giá các mức độ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty khi các hạng mục này phải ngừng sản xuất. Từ đó phối hợp với ngành Điện xây dựng quy trình phối hợp giữa 2 đơn vị nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải, nhất là trong các trường hợp DR khẩn cấp.
Trung bình, mỗi năm công ty sử dụng 476 triệu kWh (tương đương 40 triệu kWh/tháng). Từ năm 2019 - 2021, chúng tôi đã thực hiện 5 sự kiện DR với tổng công suất tiết giảm 105MW. Đặc biệt, trong năm 2022, chúng tôi đã thực hiện tiết giảm công suất 80MW vào các khung giờ cao điểm nắng nóng theo yêu cầu của ngành Điện.
Bà Hoàng Thị Thu Giang - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Miza:
Đồng hành cùng EVN, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả
Doanh nghiệp chúng tôi là đơn vị sản xuất giấy có cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Tổng diện tích cơ sở sản xuất trên 16.000m2, hiện đang sử dụng điện thông qua 5 MBA với tổng công suất 7.400kVA, lượng điện bình quân sử dụng mỗi năm của doanh nghiệp khoảng hơn 20 triệu kWh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng điện, chúng tôi luôn luôn xây dựng mục tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Trước sự phát triển của xã hội, sự biến đổi của khí hậu, mọi nguồn năng lượng đều thiếu hụt so với nhu cầu sử dụng trong đó có năng lượng điện. Chính vì vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng ngành Điện để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Năm 2022, bằng nhiều hình thức như văn bản, trao đổi trực tiếp, Công ty Điện lực Đông Anh đã giới thiệu cho đơn vị về Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Chương trình có ý nghĩa rất lớn nên khi được vận động tham gia, công ty hoàn toàn ủng hộ và nhất trí. Chúng tôi nhận thấy chương trình này rất hiệu quả và phù hợp để các doanh nghiệp đều có thể sử dụng điện được ổn định qua sự điều tiết chung của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội.
Trong hơn 1 năm tham gia DR, công ty đã có kế hoạch tiết giảm công suất phụ tải vào những giờ cao điểm khi có yêu cầu. Đồng thời, đã ưu tiên bố trí sản xuất ở giờ thấp điểm nhằm tận dụng được khung giờ có giá điện thấp. Bên cạnh đó, công ty cũng đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện như: lắp thiết bị biến tần cho các động cơ lớn; sử dụng đèn LED trong chiếu sáng... qua đó giảm chi phí tiền điện 20-30% so với trước đây.
Tôi mong muốn rằng nội dung điều chỉnh phụ tải sẽ tiếp tục được Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội triển khai hiệu quả hơn nữa vì mục đích chung ổn định nguồn cung cấp điện. Chúng tôi cũng đề nghị phía ngành Điện thông báo chính xác kế hoạch điều chỉnh phụ tải nếu có, thời gian thực hiện cụ thể, ít nhất trước 5 ngày làm việc để cho doanh nghiệp chủ động bố trí sản xuất.
Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị điện MBT:
DR tạo giá trị và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt, tốc độ tăng trưởng phụ tải ngày càng cao, Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn trong đảm bảo an ninh cung cấp điện. Việc đưa ra các giải pháp điều chỉnh phụ tải điện và tiết giảm sử dụng điện tối đa trong các giờ cao điểm, đưa việc tiết kiệm điện trở thành thói quen thường xuyên của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ sở kinh doanh, sản xuất là những vấn đề được ưu tiên.
Là một trong những công ty có quy mô lớn về sản xuất thiết bị điện trên địa bàn huyện Đan Phượng, chúng tôi nhận thấy lợi ích lớn nhất khi tham gia Chương trình DR là doanh nghiệp có thể chủ động trong việc điều chỉnh các phụ tải sử dụng điện của mình, thực hiện tiết giảm đối với các phụ tải nhỏ lẻ không ảnh hưởng đến dây chuyển sản xuất của đơn vị. Việc này được nghiên cứu một cách chủ động nhằm tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, đảm bảo bù lại thời gian gián đoạn.
Như vậy, đây cũng là sáng kiến được vận dụng lâu dài, tạo giá trị và tiết kiệm chi phí, đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Thông qua việc điều chỉnh thời gian sản xuất từ giờ cao điểm sang thấp điểm cũng như hình thành thói quen tiết kiệm điện của nhân viên, chi phí tiền điện của công ty giảm 40% so với thời gian trước khi tham gia.
Nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế chung của hệ thống điện gắn với phát triển bền vững, chúng tôi hiểu và đồng thuận, đồng thời sẽ tích cực tham gia chương trình DR trong tương lai. Về lâu dài, ở khía cạnh doanh nghiệp, chúng tôi rất mong Bộ Công Thương, EVN có thể xem xét các giải pháp khuyến khích tài chính để khách hàng tham gia DR tích cực hơn, chủ động hơn nữa.