Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ các cơ chế, chính sách liên quan đến tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng; đồng thời đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng. Những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới cũng được đề cập.
Về những rào cản trong triển khai tiết kiệm năng lượng, theo ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, nhân lực hạn chế là vấn đề nổi cộm khiến việc triển khai thực hiện tiết kiệm năng lượng chưa thực sự hiệu quả. Giai đoạn tới, chất lượng đào tạo cần phải được chuẩn hóa ở mức khu vực và quốc tế.
Các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn "Tiết kiệm năng lượng - Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế"
|
Đồng quan điểm, ông Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho hay, hiện tại, nguồn nhân lực tư vấn các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã có nhưng chưa thật sự chất lượng, điều này ảnh hưởng không ít đến kết quả thực hành tiết kiệm năng lượng.
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là một trong những nội dung được các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn. Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho rằng, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam đã được thông qua vào năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011, đến nay đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn đã có nhiều thay đổi, yêu cầu bức thiết là cần phải sửa đổi luật để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, cần tăng cường phân cấp phân quyền; quy định trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh công tác thanh tra và hậu kiểm; phối hợp với các đối tác nước ngoài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cần tăng cường tính ràng buộc về hành lang pháp lý đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực thi luật.
Về phía đơn vị đào tạo, ông Dương Trung Kiên đóng góp ý kiến, trong thời gian tới, khi Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan chỉnh sửa các nội dung của Luật, nên làm từng bước một để tác động đến xã hội một cách ít nhất nhưng vẫn đạt được mục tiêu của nhà nước một cách hiệu quả, để người dân, doanh nghiệp có khả năng thích ứng và thay đổi.
"Hiện tại, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chúng tôi đã có những đề xuất để đưa cơ chế hỗ trợ về tiết kiệm năng lượng, trong đó có cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong việc sửa đổi luật cũng như thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng để thúc đẩy đầu tư các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", ông Đặng Hải Dũng cho hay.