Cùng dự buổi làm việc có đại diện các bộ, ngành và 13 tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc Ủy ban.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV, ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc Tập đoàn tham dự.
Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại cuộc họp
|
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, buổi làm việc nhằm đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho CMSC.
Nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ tịch CMSC cho biết: Sau gần 2 năm thành lập, CMSC đã hình thành đầy đủ cơ cấu tổ chức theo quy định; tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn; hoàn thành tiếp nhận và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty.
Về kết quả triển khai công việc, từ 1/10/2018 đến nay, CMSC được giao 185 nhiệm vụ; đã hoàn thành 155 nhiệm vụ, 26 nhiệm vụ trong hạn và 4 nhiệm vụ quá hạn.
CMSC cũng tích cực xử lý các công việc dở dang tiếp nhận từ các bộ (259 nhiệm vụ), trong đó có nhiều việc phức tạp, nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều năm, có việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử, kỷ luật, thay thế cán bộ…
Nhiều doanh nghiệp chuyển đại diện chủ sở hữu từ CMSC đã nỗ lực vượt khó, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của CMSC cũng nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề nguồn nhân lực. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, Ủy ban gặp khó khăn trong việc thu hút các cán bộ có chuyên môn giỏi, có năng lực, kinh nghiệm từ các Bộ và từ khu vực doanh nghiệp về. Việc tuyển chọn, tiếp nhận cán bộ về Ủy ban thực hiện theo các quy định áp dụng với cơ quan quản lý nhà nước, trong khi Ủy ban không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà là cơ quan hành chính.
Cũng theo bà Hà, hiện đội ngũ kiểm soát viên nhà nước tại 13 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có 21 người, nhưng theo Nghị định số 10 năm 2019 thì cần bổ sung tối thiểu 25 kiểm soát viên.
Cùng với đó, trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu với các dự án đầu tư tại doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất của CMSC là thẩm quyền phê duyệt dự án của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất trong nội bộ Ủy ban, giữa các bộ, ngành và các doanh nghiệp.
Báo cáo của Ủy ban cũng nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp, nhất là các nội dung liên quan tới nhà đất.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại cuộc họp
|
13 tập đoàn, tổng công ty nêu 91 kiến nghị
Theo Thường trực Tổ công tác, Tổ công tác đã nhận được báo cáo từ 10/13 tập đoàn, tổng công ty, nêu 91 kiến nghị, gồm 65 kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng và 26 kiến nghị với Ủy ban.
Về phía EVN, tại cuộc họp, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, khi công tác tổ chức và cán bộ đã dần ổn định, CMSC đã tích cực, kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của EVN. Đến nay, hầu hết các công việc đã được xử lý dứt điểm. Điển hình, trong lĩnh vực cổ phần hóa, thoái vốn, Ủy ban đã thông qua các nội dung liên quan đến danh mục và lộ trình thoái vốn của EVN, công tác cổ phần hóa của 3 Tổng công ty Phát điện.
Trong lĩnh vực tái cơ cấu của EVN, CMSC đã thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án: Chiến lược phát triển EVN đến năm 2025, tầm nhìn 2030; chuyển Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia thành Công ty TNHH MTV; thành lập Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học thuộc EVN…
Đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2019, ông Dương Quang Thành cho biết: EVN được Chính phủ, Thủ tướng giao 209 nhiệm vụ, đã hoàn thành 192 nhiệm vụ, còn 17 nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai và phấn đấu hoàn thành đúng hạn.
Các nhiệm vụ EVN đang tiếp tục triển khai thực hiện là các nhiệm vụ về bảo đảm cung ứng điện; nhiệm vụ thực hiện trong nhiều năm tới khi kết thúc các dự án đầu tư; nhiệm vụ về cổ phần hóa, thoái vốn.
EVN kiến nghị Tổ công tác, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2020-2025 (với chỉ tiêu tiết kiệm điện năm 2020 bằng 2% điện thương phẩm, đến năm 2025 bằng 5%); chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng và ban hành cơ chế giá điện 2 thành phần; sớm xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù để đầu tư các dự án điện cấp bách...
Đặc biệt, ông Dương Quang Thành kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện như: đường dây 500kV mạch 3, đường dây 500kV đấu nối Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, đường dây 220kV Huội Quảng – Nghĩa Lộ - Việt Trì, Tháp Chàm – Nha Trang…
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trình bày các kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
|
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục -Tổ phó Tổ công tác nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về biểu dương những nỗ lực của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước.
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục cho biết, Ủy ban đã hoàn thành 201/259 nhiệm vụ được chuyển giao từ các bộ, ngành, dù gặp nhiều khó khăn. Ủy ban cũng cơ bản bám sát và thực hiện tốt 16 nhiệm vụ được giao.
Tổ phó Tổ công tác đề nghị Ủy ban khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ quá hạn, trong đó có việc tổng kết thực hiện Nghị định 131 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục, đây là nội dung quan trọng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc được nêu ra tại buổi làm việc, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư.
Tổ công tác đề nghị Ủy ban tập trung xử lý các nhiệm vụ trong hạn, đồng thời xử lý các kiến nghị của các doanh nghiệp; các bộ ngành cũng cần khẩn trương xử lý các kiến nghị của Ủy ban và các bộ ngành, doanh nghiệp liên quan. “Tất nhiên khi chuyển sang một cơ chế, cách làm mới thì sẽ có những khó khăn, vướng mắc, Tổ công tác sẽ tổng hợp các vấn đề tại cuộc làm việc, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới”, Tổ phó Tổ công tác cho biết.