Ở quốc đảo này, có một thang điểm trên 100 gọi là dán nhãn xanh. Các toà nhà sẽ được cơ quan quản lý chấm điểm. Các tiêu chí về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, hay chất lượng không khí, đều được tính đến.
Tại một toà nhà được dán nhãn xanh ở mức goldplus, gần 20 loại cây trồng ở đây được lựa chọn để tiết kiệm nước tưới. Hệ thống tưới tiêu cũng được thiết kế để tận dụng nước mưa. Toà nhà sử dụng đèn LED để tiết kiệm năng lượng, điều hoà cũng được tối ưu điện năng.
Ông Kaizar Karkaria - Môi giới bất động sản, Singapore Luxury Homes cho biết: "Khi cân nhắc mua nhà, người dân, đặc biệt là lớp trẻ ngày càng quan tâm hơn tới nhà dán nhãn xanh. Và vì thế, nhà xanh trở thành một tiêu chí marketing khi bán hàng của chúng tôi".
Từ sân bay đến các thắng cảnh nổi tiếng tại Singapore, như khu vườn sinh thái này, đều được công nhận là những công trình xanh. Khu vườn này là một hệ sinh thái xanh đúng nghĩa. Không chỉ bởi sắc xanh của cây cối hoa cỏ từ khắp nơi trên thế giới, mà còn bởi sự khép kín của hệ sinh thái ở đây. Việc sử dụng năng lượng điện năng không cần lấy từ lưới điện mà hoàn toàn tự cung tự cấp ở đây. Chưa kể, thiết kế đặc biệt của tòa nhà đã giúp tiết giảm điện năng sử dụng đến 30%. Trong khi đó, nước cũng được tận dụng tối đa. Ngay cả nước mưa rớt xuống mái vòm cũng được tái chế, tái sử dụng để làm nước uống.
Ông Victor Escudero Ceballos - Du khách Tây Ban Nha tâm sự: "Lần đầu tiên tôi tới đây, nhưng kiến trúc ở đây thực sự đáng kinh ngạc. Không gian xanh từ sân bay, tới dọc con đường, cho tới trung tâm thành phố. Sự hài hoà giữa sống và xanh cũng chính là một cách mời gọi thân thiện với những du khách như chúng tôi".
Nhu cầu ở xanh hay du lịch xanh đã đành, nhưng nhu cầu văn phòng xanh ở Singapore còn cấp thiết hơn. Như toà nhà cũ buộc phải đóng cửa vài năm qua, bỏ tiền sửa sang lại để được dán nhãn xanh, không thì khó có thể cạnh tranh với các toà nhà khác cùng trên con phố tài chính sầm uất. Bởi giờ doanh nghiệp nào đi thuê văn phòng ở đây cũng muốn mình là doanh nghiệp xanh.
Ông Andy Khoo - Giám đốc điều hành, Orenda Capital nhận định: "Phát triển bền vững là giá trị cốt lõi mà quỹ đầu tư chúng tôi mang tới khách hàng, vậy nên chính bản thân chúng tôi phải thực hành xanh, ngay từ toà nhà mà chúng tôi đặt trụ sở. Ở đây họ đã sửa sang toàn bộ để tiết kiệm điện hơn, ngay cả rèm và cửa kính này cũng được thiết kế để tiết giảm dấu chân carbon".
Ông David Fogarty - Giám đốc Khối Tư vấn ESG khu vực Đông Nam Á, CBRE nêu ý kiến: "Tỷ lệ văn phòng xanh của Singapore xếp thứ 7 tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, theo nghiên cứu của chúng tôi. Và chắc chắn thứ hạng này còn có thể tiếp tục cải thiện khi mà Chính phủ Singapore đã áp dụng tiêu chuẩn xanh cho các toà nhà xây mới. Toà nhà xanh ở đây đang gia tăng ở cả phía cầu và phía cung".
Để kiến tạo những bất động sản xanh, nguồn lực tài chính là nhân tố vô cùng quan trọng được Singapore tính đến. Dẫn chứng là việc phát hành trái phiếu xanh hay phát triển bền vững vào năm 2021 tăng gấp 4 lần. Nếu tính tổng lượng vốn vay phục vụ mục đích về phát triển bền vững cũng tăng 200% trong giai đoạn 5 năm, từ 2017 đến 2021.
Link gốc