Chồng chất khó khăn
Đặc thù địa hình là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho giảm TTĐN của EVNNPC. Các tỉnh, thành phố do EVNNPC quản lý thường xuyên phải đối mặt với các loại thời tiết cực đoan như, bão, lũ lụt, nắng nóng..., không chỉ gây ra các sự cố lưới điện mà còn làm tăng tỷ lệ TTĐN.
Với 2/3 địa bàn quản lý là miền núi, bán kính cấp điện tại khu vực do EVNNPC quản lý còn khá lớn; tính liên kết của lưới điện chưa cao, ít các mạch vòng; số lượng đường dây trung áp liên thông giữa các trạm 110 kV còn hạn chế... Bên cạnh đó, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cũng buộc phụ tải điện phải tăng rất nhanh, nhiều đường dây, TBA của EVNNPC đầy tải và quá tải...
Điển hình tại Công ty Điện lực Tuyên Quang, ông Nguyễn Phú Phượng - Phó Giám đốc Công ty cho hay, toàn tỉnh hiện chỉ có 5 trạm biến áp 110 kV, nên bán kính cấp điện còn quá dài. Riêng lưới điện 35 kV, bán kính cấp điện bình quân trên 35 km; lưới hạ thế 0,4 kV bình quân 3,53 km/1 TBA phân phối... Do chưa có đủ nguồn vốn để đầu tư thu hẹp khoảng cách cấp điện, nên tổn thất điện năng của PC Tuyên Quang vẫn khá cao.
Đến nay, EVNNPC đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở hơn 4.500 xã/cụm xã. Hầu hết hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn được bàn giao cho ngành Điện đều đã xuống cấp nghiêm trọng, tỉ lệ TTĐN có nơi lên tới trên 20%. Sau khi tiếp nhận, EVNNPC đã bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng điện cho người dân, đồng thời góp phần giảm TTĐN hiệu quả. Tuy nhiên, để lưới điện hạ áp nông thôn đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như cấy thêm TBA phân phối, giảm bán kính cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng cũng như giảm tổn thất đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và thời gian dài…
Địa hình đồi núi, bán kính cấp điện rộng là một trong những khó khăn giảm TTĐN của EVNNPC
|
Tìm giải pháp
Là một trong những điểm sáng về giảm TTĐN của EVNNPC, giải pháp hữu hiệu mà Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) thực hiện là, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu KHCN vào quản lý, vận hành lưới điện. Ông Phan Thanh An - Phó Giám đốc PC Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, Công ty đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa, điều khiển 4/7 TBA 110 kV không người trực (dự kiến cuối năm 2018, sẽ hoàn thành điều khiển xa đối với 3 TBA còn lại). Cùng với đó, Công ty đã triển khai hệ thống Mini SCADA, điều khiển từ xa 86/86 nút trên lưới điện trung áp. Theo đó, các thông số lưới điện sẽ được tự động truyền về Trung tâm Điều khiển xa, phục vụ chỉ huy vận hành lưới điện theo thời gian thực. Khi sự cố lưới điện xảy ra, người vận hành sẽ nắm bắt ngay được thông tin, khoanh vùng sự cố bằng phần mềm thông minh và thực hiện thao tác đóng, cắt thiết bị từ xa, kể cả trong mưa, bão, ban đêm. Việc tự động hóa lưới điện cũng cho phép người vận hành nhận diện, dự đoán các sự cố trên lưới, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời, góp phần giảm thời gian mất điện của khách hàng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động...; đồng thời góp phần giảm TTĐN hiệu quả.
Cùng với PC Vĩnh Phúc, hiện nay, các công ty điện lực khác của EVNNPC đã cơ bản hoàn thành lắp đặt công điện tử đo xa cho các TBA công cộng, TBA chuyên dùng và đang đẩy mạnh lắp đặt công tơ điện tử đo xa cho khách hàng sau TBA. Với công nghệ đo xa, các đơn vị quản lý vận hành sẽ phát hiện kịp thời các sự cố liên quan đến hệ thống đo đếm, kiểm soát được tình trạng mang tải, vận hành lệch pha tại các TBA, từ đó, có sự điều chỉnh kịp thời, giúp lưới điện vận hành ổn định, kinh tế, giảm TTĐN... Ngoài ra, EVNNPC đã áp dụng hệ thống phần mềm tính toán TTĐN trên lưới điện trung thế, hạ thế, làm cơ sở so sánh và nhận dạng TTĐN (tổn thất thương mại hay tổn thất kỹ thuật) ở từng khu vực, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kết quả thực hiện chỉ tiêu TTĐN của EVNNPC trong năm 2017 cũng như 8 tháng đầu năm 2018 dù chưa ngang bằng các tổng công ty phân phối khác, nhưng là mức giảm khá sâu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, EVNNPC cần quyết liệt hơn nữa trong công tác này để đưa tỉ lệ TTĐN chỉ còn 5,5% cuối năm 2018 và tiếp tục giảm sâu trong những năm tiếp theo…