Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân: Vượt qua thách thức, xứng đáng là doanh nghiệp Anh hùng

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi thiên tai, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2020 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện những giải pháp gì để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân? Thời gian tới, EVN sẽ làm gì để hiện thực hóa khát vọng “chuyển đổi số”, tiếp tục đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là doanh nghiệp Anh hùng?

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân

Trước thềm năm mới 2021, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của PV Tạp chí Điện lực về nội dung trên.

PV: Thưa ông, năm 2020, trong bối cảnh phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách, EVN đã có những giải pháp nào để hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất- kinh doanh được giao? 

Ông Trần Đình Nhân: Phải khẳng định, năm 2020 là một năm không chỉ EVN mà cả nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; thiên tai, bão lũ gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Trung… Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xác định, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ đảm bảo đủ điện vẫn phải hoàn thành một cách tốt nhất. 

Với mục tiêu đó, Tập đoàn đã triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả nhiều nhóm giải pháp về tổ chức, quản lý và kỹ thuật. Đặc biệt, tại thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội do COVID-19, EVN và các đơn vị thành viên đã tăng cường làm việc trực tuyến, họp trực tuyến; đẩy mạnh các dịch vụ điện trực tuyến; đấu thầu qua mạng… Các đội “trực chiến” đảm bảo điện tại các đơn vị được thành lập, luân phiên thường trực 24/24 giờ, đảm bảo sản xuất kinh doanh không bị ngưng trệ, đồng thời vẫn thực hiện giãn cách xã hội và phòng ngừa tốt dịch bệnh. 

Cùng với đó, để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân, EVN đã chủ động đề nghị và được Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép thực hiện 2 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện cho hơn 28,62 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền giảm hơn 12.300 tỷ đồng.

Trong thời gian bão lũ dồn dập đổ về các tỉnh miền Trung, Tập đoàn và các đơn vị luôn thực hiện tốt nhiệm vụ ứng trực, khắc phục nhanh các sự cố về điện, giúp người dân các địa phương sớm ổn định cuộc sống sau bão lũ. Cụ thể, tháng 10/2020, bão số 9 đổ bộ vào miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống lưới điện; riêng tỉnh Quảng Ngãi bị mất điện hoàn toàn. EVN và các đơn vị đã tập trung nguồn lực, không quản ngày đêm, vất vả, tích cực khắc phục sự cố. Chỉ 01 ngày sau khi bão đổ bộ, điện đã cấp trở lại cho 100% phụ tải quan trọng, các trung tâm huyện thị ở các địa phương; 1 tuần sau bão, về cơ bản điện đã được cấp trở lại cho tất cả khách hàng bị ảnh hưởng… Nỗ lực của CBCNV, người lao động EVN đã được khách hàng, chính quyền các địa phương đánh giá cao.

Năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đã thu được nhiều kết quả quan trọng, cán đích trước 1-2 năm nhiều chỉ tiêu thuộc kế hoạch 2016-2020 như: chỉ số tiếp cận điện năng; tổn thất điện năng; điện khí hóa nông thôn; nâng cao chất lượng công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng; thực hiện đúng lộ trình công tác tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng thành tựu KHCN; thực hiện tốt vấn đề bảo vệ môi trường…

Với những thành tích đã đạt được, EVN đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. Đây là nguồn động viên to lớn, là sự khích lệ  đối với toàn thể CBCNV, người lao động EVN, tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa ngành Điện Việt Nam phát triển bền vững, toàn diện, đảm bảo cung cấp diện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

PV: Thực hiện chủ trương xây dựng, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số của Chính phủ, EVN đã triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đình Nhân: EVN là một trong các DNNN tích cực nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, công nghệ tự động hóa, kĩ thuật số đã được ứng dụng rộng rãi trong Tập đoàn, từ lĩnh vực quản trị doanh nghiệp đến vận hành hệ thống điện, thị trường điện, đầu tư xây dựng, kinh doanh và dịch vụ khách hàng...

Hiện nay, hầu hết các TBA 110-220kV đã thực hiện điều khiển xa, theo chế độ không người trực; hệ thống viễn thông dùng riêng được đầu tư hiện đại và song hành với hệ thống điện. 100% dịch vụ điện đã đạt cấp độ 4 về dịch vụ trực tuyến - cấp độ cao nhất cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ; kết nối cổng dịch vụ công quốc gia, tăng tính công khai, minh bạch và tạo mọi thuận lợi cho khách hàng… EVN cũng đã triển khai Hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện năng theo hình thức hợp đồng điện tử. 

Đặc biệt, tháng 12/2020, EVN đã công bố triển khai “Hóa đơn tiền điện ứng dụng QR code” theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước cho tất cả khách hàng và sẽ bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2021. Sự kiện này đã khẳng định, EVN là một trong những DNNN tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số, đưa các dịch vụ, hồ sơ nghiệp vụ theo hướng áp dụng các giao dịch điện tử với mức độ bảo mật cao, đảm bảo an toàn về thông tin cho tất cả khách hàng. 

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đã “số hóa” trên 90% các nghiệp vụ liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu; tỷ lệ phát hành văn bản điện tử và lập hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại nhiều đơn vị đạt trên 90%... Với những kết quả đó, 2 năm liên tục (2019 và 2020), EVN được vinh danh là đơn vị chuyển đổi số xuất sắc.

Về mục tiêu trong những năm tới, EVN phấn đấu đến hết năm 2022, cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Vì vậy, năm 2021, EVN đã chọn chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”.

PV: “Chuyển đổi số” là chủ trương lớn, nhưng việc thực hiện không đơn giản. Vậy, EVN sẽ làm gì để hiện thực hóa chủ đề năm 2021, thưa ông?

Ông Trần Đình Nhân: Để hiện thực hóa chủ đề này, đúng là không hề dễ dàng! EVN xác định, trước tiên phải chuyển đổi về nhận thức và xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo và toàn thể CBCNV Tập đoàn. Cùng với đó, Tập đoàn cũng tiến hành đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số; xây dựng chính sách chuyển đổi số, sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng, công nghệ mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm đổi mới sáng tạo, làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và tiến hành nhân rộng. 

Tập đoàn cũng tiến hành nhận diện, lựa chọn và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số như: số hóa dữ liệu với mục tiêu “một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”; số hóa khách hàng; số hóa quy trình nghiệp vụ; tiếp tục lộ trình ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào mọi mọi hoạt động của Tập đoàn; xây dựng một hệ sinh thái số mạnh, linh hoạt, tăng cường tối đa các dịch vụ, dữ liệu dùng chung, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng và triển khai các giải pháp số trong EVN… 

EVN sẽ tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao mức độ hài lòng khách hàng, cung cấp những trải nghiệm tốt cho khách hàng.

PV: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, còn có những khó khăn nào EVN cần sớm khắc phục, góp phần vào việc phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tới, thưa ông?

Ông Trần Đình Nhân: Có thể nói, đến nay, chất lượng điện năng đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, nên tình trạng quá tải cục bộ vẫn xảy ra tại một số đường dây, TBA ở những địa bàn có phụ tải lớn. Cùng với đó là tình trạng quá tải lưới điện truyền tải ở một số địa phương phát triển “nóng” các nguồn NLTT. Trong khi đó, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để thực hiện đầu tư, xây dựng các dự án điện mới nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo cung cấp điện còn gặp khó khăn, vướng mắc. Một số công trình lưới điện chưa hoàn thành theo tiến độ kế hoạch, do khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, các vướng mắc liên quan đến chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp...

Ngoài ra, EVN đã rất nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng theo hướng công khai, minh bạch, dễ tham gia, dễ giám sát, CBCNV EVN đã xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, tận tụy, thân thiện và tin cậy. Vì vậy, chỉ số hài lòng của khách hàng luôn được đơn vị nghiên cứu, khảo sát độc lập đánh giá cao. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, vẫn còn có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là những vấn đề mà Tập đoàn cũng như các đơn vị đang quyết tâm khắc phục, tiếp tục phát triển bền vững, xây dựng hình ảnh EVN trách nhiệm, công khai, minh bạch, thân thiện trong cộng đồng xã hội.

PV: Ông đánh giá như thế nào về những thách thức mà EVN phải đối mặt trong năm 2021?

Ông Trần Đình Nhân: Năm 2021 và những năm tiếp theo, EVN xác định sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, đồng nghĩa phải thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; việc chậm tiến độ của các dự án nguồn điện, truyền thống sẽ làm cho tình hình cấp điện sẽ rất căng thẳng khi mà tỷ trọng điện NLMT đã quá cao trong hệ thống; chi phí nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện được dự báo sẽ tăng cao; chênh lệch tỷ giá; thiếu vốn đầu tư và những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng… 

Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang quyết tâm phát huy sức mạnh nội lực, lựa chọn, đề xuất các giải pháp hợp lý để thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao. EVN sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, quản trị hiện đại, chuyên môn hoá cao; sản xuất kinh doanh hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại DN; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh…, xây dựng EVN trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển bền vững, xứng đáng là với danh hiệu Anh hùng đã được Nhà nước phong tặng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 


  • 26/01/2021 01:45
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3139