Cùng dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nghệ An còn có ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các Sở, ngành, địa phương liên quan.
Về phía EVN, còn có ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, ông Phạm Lê Phú – Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Ban QLDA Điện 1, Ban QLDA các công trình điện miền Trung.
Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, EVN cùng các đơn vị thành viên đang triển khai xây dựng hàng loạt dự án truyền tải điện như: treo dây mạch 2 đoạn Thanh Hóa – Nghi Sơn – Quỳnh Lưu trên đường dây 220kV Thanh Hóa – Vinh (dự kiến hoàn thành quý III/2021); Trạm biến áp (TBA) 220kV Tương Dương và đấu nối (dự kiến hoàn thành cuối năm 2021); các dự án nâng công suất TBA 220kV Đô Lương, 220kV Vinh; xây dựng TBA 220kV Nam Cấm và đấu nối, đường dây 220kV Tương Dương – Đô Lương, 220kV Đô Lương – Nam Cấm, 220kV Nậm Mô – Tương Dương.
Ngoài ra, EVNNPT đang triển khai thủ tục đầu tư các công trình đường dây 500kV Vũng Áng 3 – Quỳnh Lập, Quỳnh Lập – Thanh Hóa (dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025) để nâng cao năng lực truyền tải hệ thống 500kV Bắc – Nam.
Tại buổi làm việc, một trong những dự án được lãnh đạo EVN nhấn mạnh đề nghị tỉnh Nghệ An quan tâm giải quyết, là vướng mắc giải phóng mặt bằng đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (đoạn qua địa phận tỉnh Nghệ An).
Theo đó, còn 1 khoảng néo tại thị xã Thái Hòa chưa bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân, 2 hộ dân tại xã Nghĩa Mỹ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường theo quyết định phê duyệt, dù đã được vận động chi trả 3 lần theo quy định.
Tổng Giám đốc EVN nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm, cấp bách. Nếu chậm tiến độ, phía Việt Nam sẽ phải bồi thường chi phí rất lớn cho chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – ông Nguyễn Đức Trung yêu cầu UBND thị xã Thái Hòa phối hợp để triển khai bảo vệ thi công công trình từ ngày 23/3/2021, để EVN/EVNNPT hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Với những kiến nghị của EVN liên quan đến các công trình/dự án điện khác, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các địa phương liên quan xây dựng phương án trình UBND tỉnh trước ngày 31/3/2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng thống nhất về việc hệ thống chính trị địa phương tiếp tục hỗ trợ ngành Điện trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thực hiện tiết kiệm điện; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về trách nhiệm bảo vệ công trình lưới điện cao áp, xem xét ban hành chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Lãnh đạo tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của EVN và các đơn vị thành viên trong việc đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.
Lãnh đạo 2 bên thống nhất về việc EVN tiếp tục bố trí nguồn vốn để đầu tư đưa điện tới những thôn bản còn “trắng điện”; tiếp tục đầu tư cấp điện cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh,…
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cam kết, Tập đoàn sẽ chỉ đạo quyết liệt việc đáp ứng điện cho nhu cầu phát triển của địa phương. Riêng kiến nghị về ngầm hóa lưới điện, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết: do nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn còn hạn chế, nên tỉnh cần xây dựng kế hoạch ngầm hóa theo lộ trình, đồng thời nên ưu tiên hạ ngầm ở khu vực thành phố, thị xã trước.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu
|
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân kiến nghị tỉnh giải quyết những vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng điện tại đây
|
Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (thuộc EVNNPT) báo cáo vướng mắc cụ thể của các dự án truyền tải điện đang triển khai.
|