Khó khăn trong đảm bảo điện giai đoạn 2020 - 2030
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mức tăng trưởng trên 10%/năm.
Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng GDP trung bình khoảng 7% giai đoạn 2016-2030, tổng công suất nguồn điện phải đạt 60.000 MW đến năm 2020, khoảng 96.500 MW đến năm 2025 và gần 130.000 MW đến năm 2030. Tuy nhiên, đến nay, con số này mới đạt gần 50.000 MW, trong khi nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng cao.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: Trương Hưng
|
Chính vì vậy, hệ thống điện từ chỗ có dự phòng 20-30% (giai đoạn 2015-2016), đến nay hầu như không còn dự phòng và sang đến giai đoạn 2021-2025 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp điện. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) lại chỉ phát triển tập trung ở một số khu vực như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa,... gây quá tải cho lưới điện truyền tải.
Không chỉ có vậy, cường độ sử dụng năng lượng ở Việt Nam cũng thuộc hàng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn khi nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp,...
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp về chương trình DR - Ảnh: Trương Hưng
|
Cần sự đồng hành của địa phương, doanh nghiệp
Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN cho biết, từ nay đến năm 2030, EVN đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình nguồn điện và lưới điện; mua điện từ Trung Quốc, Lào; nhập nhiên liệu (than, khí); khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái... Song song đó, giải pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải thông qua thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quản lý phía nhu cầu (DSM), đặc biệt là chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) là rất quan trọng.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công chương trình DSM và chương trình DR, ngoài sự nỗ lực của EVN, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.
60 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã ký Thỏa thuận thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải năm 2019 và các năm tiếp theo - Ảnh: Trương Hưng
|
27 tỉnh, thành phố phía Bắc là khu vực có nhu cầu sử dụng điện cao, đặc biệt nhu cầu của khách hàng công nghiệp tăng đột biến so với bình quân cả nước (trên 12%/năm, thậm chí có địa phương tăng trên 15%/năm). Do đó, EVNNPC đang tích cực triển khai chương trình DR.
Năm 2019, EVNNPC lựa chọn trên 4.000 doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ từ 3 triệu kWh/năm trở lên, mời tham gia chương trình DR. Đến nay, đã có hơn 1.600 doanh nghiệp ký kết tự nguyện tham gia.
Ông Lê Quang Thái - Phó Tổng giám đốc EVNNPC cam kết, khách hàng tham gia chương trình DR sẽ được tạo điều kiện tối đa bằng việc hỗ trợ tư vấn, kiểm toán năng lượng; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện; rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện; hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện...
Cũng tại Hội thảo này, ông Nguyễn Minh Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cam kết chính quyền địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nói chung, chương trình DR nói riêng. Ông Nguyễn Minh Quang cũng kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay cùng ngành Điện trong việc có kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.
Mục tiêu của chương trình DR:
- Giảm được ít nhất 30% công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, tương ứng:
+ 90 MW vào năm 2020
+ 300 MW vào năm 2025
+ 600 MW vào năm 2030
(Theo Quyết định số 175/QĐ-BCT ngày 28/1/2019 của Bộ Công Thương)
|