Trạm biến áp không người trực: Bước đột phá của truyền tải điện

Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) phấn đấu đến hết năm 2020 đưa 103 trạm biến áp (TBA) vào vận hành không người trực (KNT), góp phần tạo ra bước đột phá trong việc theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục tình trạng hoạt động của các loại máy móc, thiết bị tại TBA; đồng thời giảm đáng kể lực lượng, nhân công quản lý trực tiếp tại các TBA này.

Đề án xây dựng các trung tâm điều khiển và triển khai TBAKNT của EVNNPT được HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông qua tháng 6/2017, nhằm mục tiêu tập trung vào việc nâng cấp, trang bị hệ thống công nghệ để cho phép 3 Trung tâm điều độ Hệ thống điện thu thập dữ liệu vận hành và điều khiển từ xa đối với các thiết bị chính trong các TBA 220kV. Công nghệ sẽ thay thế một số nhiệm vụ của nhân viên vận hành. Lực lượng lao động tại các TBA 220kV được cơ cấu, tổ chức lại với số lượng ít hơn cả đầu mối lẫn số lượng. Thay vì mô hình với 11 lao động /1TBA 220kV, sẽ còn 5 lao động với 1 TBA ở địa bàn xa hoặc nhóm 11 lao động với trung tâm vận hành (TTVH) quản lý một cụm 5 TBA 220kV đã được điều khiển từ xa thành công. Các TTVH cũng được trang bị thiết bị để giám sát tình trạng các TBAKNT thuộc phạm vi quản lý của trung tâm.

EVNNPT đã ứng dụng thiết bị bay UAV trong quản lý vận hành lưới điện

Hiện nay, EVNNPT đang nỗ lực thực hiện đề án nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải.

Theo EVNNPT cho biết, thực hiện kế hoạch kế hoạch EVN giao, 7 tháng đầu năm 2019, Tổng Công ty đã đưa vào vận hành 10 TBA vận hành không người trực, bao gồm các trạm: Hải Hà, Sơn Tây, Quỳnh Lưu, Quang Châu, Nam Định, Quảng Ngãi, Đông Hà, Nhơn Trạch, Đức Hòa, Cà Mau.

Dự kiến, trong các tháng còn lại của năm, Tổng Công ty hoàn thành thêm 14 TBAKNT, đúng kế hoạch được giao. Trong năm 2020 EVNNPT sẽ chuyển thêm 31 TBA vận hành theo mô hình TBAKNT, nâng tổng số TBAKNT lên 103 trạm trên tổng số 134 TBA 220 kV tính đến thời điểm đó.

Ông Phạm Xuân Hường - Trưởng ban Quan hệ cộng đồng EVNNPT cho biết, việc đưa vào vận hành các TBAKNT không chỉ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động mà còn đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện theo Đề án “Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam” đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

EVNNPT đang quản lý vận hành 153 TBA, trong đó có 30 TBA 500kV và 123 TBA 220kV. Đáng chú ý đã có 80% các TBA sử dụng hệ thống điều khiển bằng máy tính, các thiết bị bảo vệ, điều khiển trong các TBA đều sử dụng rơle bảo vệ và bộ điều khiển số (đều là các thiết bị điện tử thông minh - IED).

Link gốc