Cơn bão số 10 vừa qua làm hư hại gần như hoàn toàn các hệ thống từ trụ cột đến hệ thống hạ thế, đường dây... ở đây. Những công nhân điện lực phải gác mọi công việc gia đình để tập trung khắc phục, dựng lại cột điện, kéo dây lên cao, đưa điện hòa lưới trở lại.
Công trường đêm trên quốc lộ 1 tại thị trấn Hoàn Lão
|
Đêm không ngủ
Trong màn đêm dày đặc, nhóm công nhân đang làm việc trên cột điện nhận lệnh thay ca. Chiếc xe nâng chờ sẵn ở phía dưới, một công nhân ngồi vào gàu, lên đỉnh cột thay cho đồng nghiệp. Chúng tôi cũng leo vào gàu.
Người vừa tới nơi, anh công nhân cài dây an toàn từ bụng thắt vào cột, treo mình lơ lửng. Từ trên đỉnh cột điện nhìn xuống, một cảm giác rờn rợn: cả thị trấn Hoàn Lão chìm trong bóng tối, đen kịt.
|
Bừng sáng
Đúng 4h sáng 18/9, những tiếng vỗ tay, reo mừng của nhóm công nhân xen lẫn người dân, tất cả cùng vỡ òa trong ánh sáng điện khi cùng lúc 12 trạm biến áp khu vực Hoàn Lão đã đóng nối, thông dòng điện về mấy chục nghìn hộ dân.
|
Thi thoảng có những vệt sáng của ánh đèn xe tải lao vụt rồi bị nuốt chửng trong màn đêm. Trên cao chót vót, rọi lên hai đốm sáng của công nhân đội đèn pin trên đầu.
Công nhân Nguyễn Tùng Lâm của Công ty Điện lực Quảng Bình không ngơi tay nói: "Mệt lắm rồi... quần cả ngày mới cầm được ổ bánh mì ăn tạm lúc thay ca, nhưng giờ cũng phải gắng vì bà con đang chờ đóng điện".
Ông Lê Anh - điều độ viên Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết đến thời điểm tập trung đấu nối đường dây cao thế ở Hoàn Lão, anh em trong Công ty cũng chưa biết chính xác đã có bao nhiêu nhà cửa, người thân của cán bộ Công ty bị thiệt hại, bởi từ trước và sau bão tới nay gần như 100% quân số, thời gian đều tập trung cho việc túc trực, khắc phục đường dây.
"Nhà tôi chỉ cách thị trấn Hoàn Lão có 4 km, nhưng từ hôm bão vào đến nay tôi chưa được về nhà lần nào. Phải tập trung cho công việc nhưng khi nghĩ về nhà là bụng dạ như lửa đốt!" - ông nói.
Tương tự, Nguyễn Tùng Lâm cho biết mấy hôm nay anh cũng không được trở về nhà. Nhà cửa, con cái giao hết cho vợ.
Ngày bão về, Lâm cùng nhiều anh em trực ở Công ty, căng thẳng theo dõi các điểm đường dây xung yếu mà lòng bồn chồn không yên. Sau bão, khi Lâm gọi điện về cho vợ thì được báo rằng nhà đã bị gió lấy đi phần mái. Lâm nói: "Những lúc ấy, ngôi nhà cần người đàn ông hơn lúc nào hết" nhưng đành chịu.
"Chắc vài ngày nữa khi đường dây được nối thông, điện về từng hộ thì mình mới về lợp lại phần mái nhà bị bão cuốn cho vợ con được" - Lâm nói khi đang treo mình trên đường dây.
Gần suốt đêm dài, những tiếng lạch cạch vẫn vang lên dọc tuyến quốc lộ. Những tốp công nhân mặt bê bết dầu mỡ, ướt sũng mồ hôi vẫn miệt mài. Nhiều người dân cũng thức thâu đêm, ra coi công nhân làm việc...
Cùng thời điểm với tuyến Bố Trạch, cách đó không xa, trên tuyến quốc lộ 1 hướng ra tỉnh Hà Tĩnh, gần 100 công nhân cũng miệt mài trong bóng tối khắc phục sự cố. Liền với đó, hơn 500 công nhân, kỹ sư của Công ty Điện lực Hà Tĩnh dàn hàng trên quốc lộ 1 khắc phục sự cố để sớm đưa dòng điện khai thác trở lại.
Đấu nối khẩn cấp trong mưa bão
Sáng 18/9, TP Đồng Hới đã trở lại vẻ sôi động của thường ngày. Những con đường dẫn qua các tuyến phố đã được dọn sạch sẽ. Các quán hàng ở những con phố sầm uất được mở cửa trở lại. Điện đã về từng nhà dân.
"Đó là quãng thời gian khắc phục sự cố nhanh kỷ lục và cấp bách nhất mà chúng tôi đã vượt qua" - ông Thái Hồng Quân, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình, cho biết.
Trong cơn bão số 10 quét qua hôm 15/9, tuyến đường dây 110 kV bị sự cố khiến dòng điện tê liệt. Tiếp đó, có thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về làm việc với lãnh đạo tỉnh nên lệnh đưa ra là "phải có điện". Dù đang mưa lớn, 30 công nhân được lệnh mặc đồ bảo hộ, leo lên đấu nối đường dây. Gió vẫn còn, những cây cột rung lắc và những người thợ ở trên cheo leo...
"Chứng kiến cảnh đó, chúng tôi không tài nào bình tâm được" - ông Quân kể. Yêu cầu 17h có điện nhưng 16h40 khu trung tâm TP bừng sáng. "Thành công ngoài mong đợi, chúng tôi cũng bất ngờ" - ông Quân thở phào.
Ông Quân nói vui rằng việc khắc phục khẩn cấp sự cố cũng chính là cơ hội để những người giữ mạch dòng điện vùng rốn bão lũ của miền Trung thể hiện năng lực, lấy thêm kinh nghiệm ứng phó với thiên tai.
Khi dòng điện đã lên lưới, ánh đèn vụt sáng lên từ các căn nhà của người dân thì cũng là lúc những công nhân điện lực rời trụ, ngồi bệt, lặng lẽ lau những giọt mồ hôi.
Giữa đêm khuya, công nhân điện lực tại Quảng Trạch (Quảng Bình) treo mình để đấu nối, khắc phục sự cố điện lưới
|
Điện lực 7 tỉnh ứng cứu khẩn cấp
Ông Thái Hồng Quân cho biết do nằm trong vùng tâm bão, 90% hệ thống cung cấp điện của toàn tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề. "Điện là mạch máu của đời sống, phải cấp điện sớm nhất có thể, bằng mọi giá và đảm bảo an toàn tuyệt đối" là yêu cầu được Tổng công ty Điện lực miền Trung (CPC) đặt ra.
Chỉ 3 giờ sau khi bão dứt, một đội cứu hộ khẩn cấp cùng ba xe chuyên dụng được điều từ tỉnh Thừa Thiên - Huế ra. Đến đêm, có thêm một tốp công nhân từ tỉnh Quảng Trị được điều tới.
Trong hôm sau, có hàng trăm kỹ sư, công nhân bảy tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trực thuộc EVNCPC gấp rút chi viện. Ngành điện lực cũng huy động thêm trụ điện và thiết bị vật tư ở nhiều nơi nhanh chóng chở đến Quảng Bình, tập trung lực lượng làm ngày làm đêm.
Đến ngày 18/9, khoảng 150.000 trong số 250.000 hộ dân bị cúp điện kể từ hôm bão 14/9 đã được cấp điện trở lại. 100.000 hộ còn lại dự kiến được cấp điện trong chiều nay 19/9, vượt ba ngày so với kế hoạch đề ra ban đầu.
Ông Quân nhận xét đợt "điều quân" tiếp ứng Quảng Bình sau cơn bão số 10 này được xem là đợt huy động hùng hậu nhất của ngành Điện lực miền Trung.
Tại Hà Tĩnh cũng có gần 1.000 trụ điện, các trạm biến áp bị hư hại sau bão. Tổng công ty Điện lực miền Bắc cùng Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã huy động toàn bộ công nhân, phương tiện máy móc làm cả ngày lẫn đêm, huy động 15 nhà thầu khắc phục sự cố.