Triển khai các dự án truyền tải điện vẫn vướng bồi thường giải phóng mặt bằng

Đóng điện 47 công trình, khởi công 33 công trình là khối lượng công việc đồ sộ mà Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) phải hoàn thành trong năm 2019. Nhưng đến nay, hầu hết các công trình, trong đó có rất nhiều công trình trọng điểm, cấp bách đều đang vướng ở khâu bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB).

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 2 công trình điện trọng điểm cấp quốc gia đã “lỡ” kế hoạch đóng điện năm 2018 gồm: TBA 500 kV Tân Uyên và đấu nối (khởi công năm 2016) và đường dây 500 kV Sông Mây - Tân Uyên (khởi công năm 2015). Mặc dù EVNNPT đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp trong truyền thông, vận động người dân các địa phương trên bàn giao mặt bằng thi công, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. 

Nhiều dự án truyền tải điện vẫn vướng trong BTGPMB 

Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Tổng giám đốc EVNNPT cho biết: Giá đất có ảnh hưởng lớn đến BTGPMB. Giá đất luôn có xu hướng tăng, trong khi quy định về giá bồi thường lại giữ nguyên nhiều năm, hoặc chưa phản ánh đúng giá đất thực tế. Ngoài ra, hiện cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Nhà nước về công tác bồi thường thi công, dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu khi thỏa thuận với chủ nhà có đất bị ảnh hưởng trong quá trình thi công. Đã có hiện tượng, nhà dân chấp thuận phương án BTGPMB, tuy nhiên sau đó vẫn gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị thi công.

Nhiều năm qua, EVNNPT nói chung và các đơn vị nói riêng đã rất nỗ lực trong công tác GPMB. Các ban QLDA trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và làm việc với lãnh đạo các địa phương, tranh thủ sự ủng hộ giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công. EVNNPT ngày càng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác GPMB đến từng hộ dân, tạo sự đồng thuận, tin tưởng… 

Tuy nhiên, sự nỗ lực tự thân của EVNNPT và các đơn vị ngành Điện là chưa đủ. Đối với những trường hợp người dân cố tình vi phạm, rất cần các cấp, đơn vị liên quan phối hợp xử lý nghiêm theo quy định. Về việc người dân lợi dụng trồng cây với “mật độ vô lý” để hưởng đền bù, chính quyền địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ hơn; xác định giá cây cần phản ánh đúng giá thị trường hoặc ban hành nguyên tắc xác định giá cây, trong đơn giá cần tách chi phí chặt bỏ cây, để nếu người dân không làm thì để chủ đầu tư/địa phương thuê chặt bỏ… 


  • 02/06/2019 03:45
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Thế giới điện
  • 11222