Nghị quyết nêu rõ những nhiệm vụ chủ yếu như: Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sớm hoàn thành các công trình dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo nền tảng tiếp cận, nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng kinh tế số.
Thực hiện các giải pháp quyết liệt, đặc biệt các giải pháp về cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực nhằm tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo các mục tiêu đề ra; phát triển kết cấu hạ tầng gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, điện lực đầu tư, đấu thầu, bảo đảm sự hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng.
Đối với lĩnh vực điện lực, Nghị quyết giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2020 hoàn thành Đề án huy động vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng cung cấp điện đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030 để đảm bảo tính khả thi.
Bộ Công Thương cần chỉ đạo tập trung đầu tư thực hiện đúng tiến độ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện theo điều chỉnh Quy hoạch điện VII (tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ), ưu tiên các nhà máy có công suất trên 1.000 MW.
Tiếp tục triển khai xây dựng, khởi công các dự án nhiệt điện than như Quảng Trạch I (1.200MW), Quỳnh Lập I (1.200MW), các dự án nhiệt điện khí như Nhơn Trạch III, IV; Ô Môn III, IV và đẩy nhanh tiến độ các dự án BOT;
Tiếp tục tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn, đảm bảo mở rộng lưới điện tới các vùng nông thôn, biên giới, hải đảo, đồng thời đảm bảo an toàn và chống thất thoát điện.
Chi tiết Nghị quyết có file đính kèm.
Minh Ngọc
Share