Hội nghị trực tuyến về công tác tài chính kế toán năm 2017 của EVN - Ảnh: PT
|
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Nam – Kế toán trưởng Tập đoàn cho biết, thực hiện chủ đề của năm 2016 về “Nâng cao năng lực quản trị trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, Tập đoàn và các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về tiết giảm chi phí, tăng doanh thu, nhờ đó góp phần đảm bảo khả năng cân đối tài chính trong năm 2016.
Không có dự án dừng thi công do thiếu vốn
Trong năm qua, công tác thu xếp vốn đầu tư xây dựng (ĐTXD) cho các dự án nguồn và lưới điện được EVN đáp ứng đầy đủ, không có dự án nào dừng thi công do thiếu vốn.
Tổng giá trị khối lượng thực hiện ĐTXD năm 2016 toàn Tập đoàn đạt 134.858 tỷ đồng. Các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều giải ngân hết số vốn được bố trí trong kế hoạch.
Tập đoàn tiếp tục duy trì tốt quan hệ đối tác tin cậy với các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, AfD, JICA, KfW…. Trong đó, năm 2016 đã ký vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi khoảng 1.040 triệu USD cho các dự án điện.
Tập đoàn đã tích cực làm việc với các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước để huy động vốn cho các dự án điện mới. Trong đó, đã lựa chọn được các tổ hợp ngân hàng cho dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng với giá trị vay nước ngoài khoảng 415 triệu USD và vay trong nước 8.200 tỷ đồng; chỉ định Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam làm đầu mối để thu xếp vốn cho dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 với giá trị khoản vay lên đến 40.000 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2016, hầu hết các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm đã được thu xếp đủ vốn đối ứng và vốn vay theo nhu cầu đầu tư. Nhờ đó, một số công trình quan trọng đã được đưa vào vận hành đúng tiến độ như: Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Huội Quảng, Nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhiệt điện Mông Dương 1, các công trình trọng điểm đảm bảo cho cấp điện miền Nam như TBA 500 kV Pleiku 2, đường dây 220 kV Vũng Áng – Ba Đồn – Đồng Hới, đường dây 220 kV Cầu Bông – Hóc Môn – rẽ Bình Tân, TBA 500 kV Mỹ Tho,… các dự án giải tỏa công suất nguồn điện và dự án lưới điện quan trọng đảm bảo cấp điện cho TP Hà Nội và khu kinh tế trọng điểm miền Bắc.
Tiếp tục lành mạnh hóa tài chính của EVN
Cũng trong năm 2016, Tập đoàn tiếp tục lộ trình cổ phần hóa các tổng công ty phát điện; hoàn thành giảm vốn góp tại Công ty CP Cơ điện Thủ Đức xuống dưới mức chi phối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (từ 56,92% xuống còn 40,05% vốn điều lệ); Tập đoàn cũng đã báo cáo và được Bộ Công Thương cho phép thoái hết 15% vốn điều lệ tại EVNFinance.
Bên cạnh đó, Tập đoàn và các đơn vị đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính kế toán, thanh kiểm tra, đào tạo nâng cao trình độ quản lý kinh tế tài chính, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị công tác tài chính 2016.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác tài chính, kế toán năm vừa qua, đồng thời lưu ý các đơn vị về việc cân đối tài chính năm 2017 đang đối diện với những áp lực không nhỏ. Để giải quyết khó khăn, ngoài những giải pháp cụ thể của từng đơn vị, ông Dương Quang Thành yêu cầu các đơn vị triệt để tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ và Quyết định số 408/QĐ-EVN ngày 24/4/2017 của Tập đoàn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 và giai đoạn 2016 – 2020. “Đây là nhiệm vụ quan trọng và các đơn vị phải quyết liệt thực hiện” - Chủ tịch HĐTV EVN khẳng định.
Cũng tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng An – Tổng giám đốc EVN yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục rà soát lại định mức; thực hiện tối ưu hóa chi phí trong sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng; thực hiện đồng bộ các giải pháp thuộc Đề án Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động Tập đoàn giai đoạn 2016 – 2020 để tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính của Tập đoàn.
Một số nhiệm vụ và chỉ tiêu của EVN trong công tác tài chính năm 2017:
- Hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2017 được HĐTV phê duyệt, đảm bảo sản xuất kinh doanh điện có lợi nhuận
- Đảm bảo đủ vốn để thành toán cho khối lượng thực hiện ĐTXD là: 137.071 tỷ đồng;
- Hoàn thành phương án huy động vốn cho các dự án điện cấp bách giai đoạn 2016 – 2025
- Duy trì tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo các chỉ số tài chính theo yêu cầu của các nhà tài trợ
- Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi cho các dự án điện mặt trời và lưới điện nông thôn
- Đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn
- Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tài chính, kế toán
- Tăng cường công tác thanh kiểm tra, đào tạo nâng cao trình độ quản lý kinh tế tài chính
|