Thủa ban đầu gian khó
Tháng 10/1996, khi đang là Phó Giám đốc Công ty Điện lực miền Trung thuộc Bộ Công Nghiệp, ông Vũ Đức Thìn được điều về làm Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La. Lúc đầu, Ban chỉ có mình ông, mọi văn bản, giấy tờ đề nghị bổ sung nhân sự, văn phòng làm việc… chỉ có chữ ký của ông. Sau thời gian ngắn, Ban được bổ sung thêm 5 người, gồm 3 kỹ sư, 1 kế toán và 1 lái xe. Sau này, do công việc nhiều, số lượng CBCNV của Ban vì thế cũng tăng theo.
Ngoài việc quản lý theo dõi tiến độ khảo sát, thiết kế công trình chính, Ban A Sơn La còn phải lập phương án huy động vốn; phối hợp với chính quyền 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu thực hiện quy hoạch tổng thể dự án di dân tái định cư… Là một công trình thế kỷ, áp lực không chỉ đặt ra đối với Ban A Sơn La mà còn là “bài toán cân não” với cả Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành lúc bấy giờ. Suốt một thời gian dài, ông Thìn cùng Ban A Sơn La chuẩn bị hồ sơ, luận chứng KTKT báo cáo trước Hội đồng khoa học cấp Bộ, cấp Quốc gia… Ông Thìn khẳng định: “Chính sự cọ sát trong quá trình tranh luận, phản biện đã giúp Dự án được chuẩn bị kỹ hơn, cũng như khẳng định vai trò của Ban trong quản lý Dự án!”.
Ngày đó, mỗi lần từ thị xã Sơn La vào công trường, ông và các cộng sự phải đi bộ mất nửa ngày, rồi lại “vật lộn” với sóng lớn trên sông Đà, phải mang theo cả cơm nắm, nước uống, đến nơi “ngót nghét” mất một ngày. Trách nhiệm tiếp tục “đè nặng” lên vai Ban A Sơn La, khi cấp trên yêu cầu lập phương án xây dựng tuyến đường sao cho vừa rút ngắn thời gian lên công trường, vừa tiết kiệm chi phí. “Chỉ nghe kể, các cháu khó có thể “thấu” được con đường vào công trường ngày ấy gian nan, vất vả thế nào. Chỉ có lớp cán bộ, kỹ sư – những người đầu tiên đặt chân lên vùng sơn cước ấy mới thấm”, ông Thìn vui vẻ. Đúng vậy, đường vào Nhà máy Thủy điện Sơn La hôm nay phẳng lì, con sông Đà hung dữ, bí hiểm ngày nào giờ cũng trở nên hiền hòa và thơ mộng hơn.
Từ khi thành lập Ban A Sơn La cho đến khi Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La chính thức được khởi công vào năm 2005 là 9 năm. Trước câu hỏi “9 năm chuẩn bị khởi công một công trình liệu có dài?”, ông Thìn khẳng định: “9 năm là dài, bởi công trình hội tụ đủ các điều kiện có thể triển khai từ năm 2002, ngay sau khi được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 2 và Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tranh luận liên quan đến sự an toàn của công trình, cũng như ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cuối cùng, mọi việc đều kết thúc tốt đẹp và Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hoàn thành xây dựng, về đích sớm hơn 3 năm so với yêu cầu Quốc hội, làm lợi hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước – 1 kỳ tích mà chưa có bất kỳ công trình nào đạt được”.
Ông Vũ Đức Thìn (đầu tiên bên phải) tại lễ hạ rotor tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Lai Châu
|
Những hồi ức đẹp
Là công trình lớn, chưa từng thực hiện tại Việt Nam nên “siêu dự án” này đã nhiều lần làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” ấy, một trận động đất bất ngờ xảy ra tại Đài Loan làm xê dịch đập bê tông trọng lực. Nguyên nhân vì sao? Liệu xây dựng đập Thủy điện Sơn La có an toàn? Rất nhiều câu hỏi đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp Đặng Vũ Chư. Với vai trò “thuyền trưởng” của Ban A, ông Thìn đã nghiên cứu, sưu tập những tài liệu liên quan, giúp Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội. Nhờ có những luận chứng và số liệu thuyết phục, Quốc hội đã thống nhất thông qua Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La ở mực nước dâng bình thường là 215 m.
Từ khi đảm nhận cương vị “thuyền trưởng” Ban A, ông Vũ Đức Thìn không có ngày nghỉ. Ông còn nhớ, vào thời điểm nước rút, dù thứ bảy hay chủ nhật, Thứ trưởng Bộ Công Nghiệp lúc bây giờ là ông Hoàng Trung Hải (hiện nay là Bí thư Thành ủy TP Hà Nội) còn ngồi lại cùng với ông trao đổi, cân nhắc từng số liệu, từng chi tiết… đảm bảo có được một báo cáo hoàn chỉnh trình Quốc hội. Có lẽ vì vậy, ông Thìn luôn khẳng định: “Công trình Thủy điện Sơn La là “trái ngọt” của cả bộ máy chính trị từ Trung ương đến địa phương, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban A Sơn La, tổng thầu và các nhà thầu, tư vấn thiết kế và các đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị…”.
Không tham gia trực tiếp vào những quyết sách đối với Thủy điện Lai Châu, nhưng với vai trò là Ủy viên Hội đồng Thành viên EVN, thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước Thủy điện Sơn La – Lai Châu, ông Thìn còn đóng góp vào việc chuyển bộ máy quản lý bao gồm từ khâu nhân lực, các bộ phận thiết kế, chế tạo thiết bị, thi công, quản lý từ Thủy điện Sơn La lên làm việc tại công trình xây dựng Thủy điện Lai Châu. Nhờ đó, tiết kiệm thời gian và chi phí thi công công trình, góp phần đưa Nhà máy Thủy điện Lai Châu về đích sớm 1 năm so với kế hoạch.
Đang rất vui, bỗng giọng ông Thìn như chùng xuống. Ông tâm sự, hiện nay các công trình thủy điện đã giảm đi rất nhiều. Trước kia, công nhân xây dựng thủy điện chủ yếu chỉ biết bám núi, bám bừng, bám công trường thủy điện. Giờ đây, họ phải chuyển đổi sang công việc mới, đòi hỏi phải nỗ lực học tập và làm việc nhiều hơn nữa. Nhìn ông, tôi hiểu rằng, khi Thủy điện Lai Châu đi vào vận hành, ông lại lo đến việc làm cho thế hệ trẻ của Ban A Sơn La.
Sau hơn một giờ trò chuyện với ông Vũ Đức Thìn, chúng tôi càng hiểu thêm, vì sao ông Thìn vẫn còn nặng lòng với Ban A Sơn La? Ai cũng biết, cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc chia tay, nhưng điều đó thật không dễ dàng đối với ông Thìn, vì Sơn La mãi mãi là một hồi ức, kỷ niệm đẹp trong suốt cuộc đời làm điện của ông.