Trung tâm dữ liệu AI bùng nổ tại Mỹ: Thách thức lớn đối với mục tiêu khí hậu

Sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm dữ liệu nhằm phục vụ ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra thách thức lớn cho các nỗ lực giảm khí thải nhà kính. Để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao, nhiều công ty năng lượng đang lập kế hoạch xây dựng hàng trăm nhà máy điện chạy bằng khí đốt, điều này có nguy cơ đảo ngược nhiều thập kỷ tiến bộ trong việc chống biến đổi khí hậu.

Trung tâm dữ liệu - xương sống ngành AI, đòi hỏi lượng điện năng khổng lồ, chỉ một trung tâm có thể sử dụng lượng điện năng tương đương một thành phố vừa và nhỏ. Nhu cầu từ các công ty công nghệ lớn như Microsoft, Google, Meta và Amazon ngày càng tăng, khiến nhiều công ty tiện ích tại Mỹ phải gấp rút xây dựng thêm nhà máy khí đốt để đáp ứng. Theo Bloomberg Intelligence, chỉ riêng các trung tâm dữ liệu có thể làm tăng từ 10-30% nhu cầu khí đốt tự nhiên của toàn nước Mỹ.

Một nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên của AEP ở Dresden, Ohio. Ảnh: The Washington Post

Tại Texas - thị trường điện lớn nhất nước Mỹ, nhà điều hành lưới điện ERCOT (Electric Reliability Council of Texas) dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2030. Tiểu bang này cần bổ sung 67GW điện, tương đương lượng điện cho 60 triệu hộ gia đình. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) khẳng định các trung tâm dữ liệu và khai thác tiền điện tử là những động lực chính thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện.

Hoa Kỳ đã cam kết cắt giảm 50% khí thải nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2035. Tuy nhiên, hiện có 220 nhà máy điện khí đang được xây dựng và lên kế hoạch xây dựng, hầu hết dự kiến hoạt động trước năm 2032. Những nhà máy này có tuổi thọ 25-40 năm, đồng nghĩa với việc chúng sẽ tồn tại lâu hơn các mốc thời gian của mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Không chỉ Mỹ, châu Âu và châu Á cũng đối mặt với tình trạng tương tự. Ireland, Hà Lan và Singapore đã tạm dừng kết nối lưới điện với các trung tâm dữ liệu mới nhằm giảm tác động khí hậu, đảm bảo sự ổn định cho hệ thống điện.

Neil Chatterjee, cựu Chủ tịch Ủy ban Quản lý Năng lượng Liên bang (FERC), nhận xét: “Liệu lợi ích mà xã hội nhận được từ AI có xứng đáng với lượng khí thải carbon khổng lồ để cung cấp năng lượng cho AI hay không?”

Ben Cahill, một chuyên gia năng lượng tại Đại học Texas, cảnh báo rằng các kịch bản khử cacbon nhanh chóng đang ngày càng ít khả thi hơn.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết loại bỏ khí thải từ lưới điện vào năm 2035. Tuy nhiên, chính sách này gặp khó khăn do nhiều bang ưu tiên đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định hơn là tuân thủ các quy định khí hậu. Tại Virginia, công ty Năng lượng Dominion Energy yêu cầu được miễn trừ một số luật khí hậu của bang để tiếp tục xây dựng nhà máy khí đốt. Tương tự, Duke Energy tại Bắc Carolina đã thuyết phục được cơ quan quản lý phê duyệt việc xây dựng nhà máy khí đốt mới, mặc dù kế hoạch này không đáp ứng được mục tiêu giảm 70% lượng khí thải vào năm 2030 theo quy định của tiểu bang.

Các công ty công nghệ đang kêu gọi các công ty tiện ích tập trung vào năng lượng sạch thay vì sử dụng khí đốt. Microsoft đã phản đối kế hoạch mở rộng khí đốt của Georgia Power và cùng Liên minh Trung tâm Dữ liệu (DCA) yêu cầu các cơ quan quản lý tại Arizona không phê duyệt các dự án gây phát thải cao. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn xuất hiện khi chính các công ty như Microsoft vẫn phụ thuộc vào lưới điện địa phương, nơi năng lượng chủ yếu được cung cấp từ hỗn hợp nhiên liệu bao gồm khí đốt và than. Dù đã đầu tư vào các nguồn năng lượng không phát thải như hạt nhân, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện khổng lồ của các trung tâm dữ liệu mà họ vận hành.

Dù lượng khí thải từ ngành điện đã giảm nhờ sự sụt giảm sử dụng than, nhu cầu từ trung tâm dữ liệu đang khiến kế hoạch đóng cửa nhà máy than bị trì hoãn. Tại Omaha, các trung tâm dữ liệu chiếm hai phần ba nhu cầu điện mới, buộc Cơ quan quản lý điện công cộng Omaha (OPPD) phải hoãn đóng cửa một nhà máy điện than lớn và xây dựng hai nhà máy khí mới.

Một số công ty năng lượng kỳ vọng công nghệ thu giữ carbon từ nhà máy khí sẽ giảm phát thải, nhưng các nhà môi trường cảnh báo rằng điều này không phải giải pháp lâu dài. Pam Kiely từ Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF) nhấn mạnh: “Không có con đường tắt nào để đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Chúng ta phải hành động ngay hôm nay.”


  • 24/11/2024 03:49
  • Nguyệt Hà (Theo Washington Post)
  • 866