Trường kỳ công cuộc xóa "vùng lõm"

10:16, 07/01/2015

Tiến trình điện khí hóa nông thôn ở nước ta đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm, song thành quả thì không ít nước bạn láng giềng đã phải khâm phục. Đặc biệt, trong giai đoạn 1998 – 2007, tính trung bình cứ sau một ngày nước ta lại có thêm 1 xã được cấp điện với khoảng 1.700 hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Đó là một cuộc hành trình dài và nhiều gian nan, thử thách…

Cất cánh

Trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (cuối thập kỷ 50 đến khi thống nhất đất nước - năm 1975), việc đầu tư phát triển điện nông thôn chủ yếu là tập trung cấp điện cho các trạm bơm phục vụ tưới tiêu và cơ khí nhỏ phục vụ chương trình Hợp tác hóa nông nghiệp để tập trung cho sản xuất các sản phẩm thiết yếu phục vụ chiến trường miền Nam.

Từ năm 1976 - 1985 (Giai đoạn phục hồi sau chiến tranh), hệ thống điện là sự kết hợp của các hệ thống đơn lẻ và chủ yếu cung cấp điện cho thành thị và khu công nghiệp lớn. Cung cấp điện cho các hộ gia đình ở nông thôn chỉ là ưu tiên thứ cấp so với mục đích tưới tiêu, thủy lợi. Kết thúc giai đoạn này, tỷ lệ các hộ gia đình có điện tăng từ 2,5% lên 9,3%.
Giai đoạn 1986 – 1993, tỷ lệ các hộ gia đình có điện đã tăng từ 10%  lên 14%. Điểm đáng chú ý là sự phát triển của một số nhà máy điện lớn, đặc biệt là công trình đường dây tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc Nam (mạch 1) truyền tải điện từ Bắc vào Nam.

Sự ra đời của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (năm 1995), nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cũng đã đánh dấu một bước phát triển mới trong sự nghiệp điện khí hóa nông thôn. Sự nghiệp điện khí hóa nông thôn giai đoạn 1994 – 1997 đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất với tỷ lệ hộ dân có điện tăng từ 14% đến 61%. Tốc độ kết nối lưới điện đã trở thành một trong những chỉ số quan trọng đánh giá sự phát triển của xã, huyện và tỉnh.

Điện về nông thôn. Ảnh: Ngọc Tuấn

Thành công…

Công tác điện khí hóa nông thôn giai đoạn 1998 – 2013 đã được phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu. Đó là: Phát triển cấp điện đến khu vực nông thôn khó khăn, khu vực miền núi và hải đảo; đồng thời củng cố hoàn thiện dần lưới điện ở những nơi đã có điện để đảm bảo cấp điện an toàn cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, theo phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng chung tay thực hiện. Ngành Điện đã tiếp nhận để củng cố và hoàn thiện lưới điện trung áp nông thôn, tiến tới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện đến hộ nông dân theo một giá thống nhất toàn quốc.

Những thành tựu lớn lao của điện khí hóa nông thôn Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, những chủ trương đúng đắn: Phương châm Nhà nước và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm, huy động nguồn lực to lớn của cả xã hội. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam với vai trò là Tập đoàn kinh tế của Nhà nước đã khẳng định được vai trò của mình, huy động các nguồn lực rất lớn trong việc đầu tư lưới điện truyền tải, mở rộng kết cấu hạ tầng hệ thống lưới điện phân phối.

Hệ thống lưới điện hạ áp trên đảo Côn Đảo ngày càng được đầu tư nhiều hơn. Ảnh: Đình Hoàng

... Từ những nhọc nhằn

Để có được những con số ấy, hàng chục ngàn CBCNV ngành Điện lực Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc đã nỗ lực vượt lên mọi vất vả khó khăn của địa hình đồi núi, đèo dốc cheo leo, sông suối hiểm trở, để nối liền một dải "dòng sông ánh sáng" bằng những chiếc cột và đường dây, đưa nguồn điện lưới quốc gia đến từng ngôi nhà, trên từng thôn, bản.

Còn nhớ, giữa cái nắng tháng tư của Tây Nguyên năm 2010, hơn 116.000 hộ dân là đồng bào các dân tộc ở 1.331 thôn, buôn thuộc 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng đã tưng bừng đón nhận nguồn điện lưới quốc gia từ Dự án ”Cấp điện cho các thôn bản chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên”.

Trưởng thôn 7, xã Đăkrla, huyện Đăkmil, tỉnh Đăk Nông khi đó là ông Hoàng Đình Công kể: Từ trước Tết Nguyên đán Canh Dần (2010), người dân nông thôn chỉ biết sống nhờ vào dầu để thắp sáng và gieo trồng nông vụ. Giờ thì khác rồi. Từ khi có điện, được nhiều cái lợi lắm chứ, không chỉ thắp sáng đâu. Tinh thần, đời sống văn hóa được nâng lên rõ rệt nhờ vào chiếc ti vi để xem nghe thời sự. Rồi tiết kiệm được tiền vì không phải dùng cái máy nổ bơm nước tưới..."    

Hay, nếu chỉ đơn thuần thông tin rằng, vào ngày 9/2/2010, ngành Điện đã hoàn thành việc đưa điện đến trung tâm huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu, và đây là huyện cuối cùng trên đất liền được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia - thì có lẽ vẫn chưa có gì đáng kể. Thậm chí không ít ý kiến còn cho rằng, như thế là quá chậm. Trên thực tế thì năm 2008, Điện lực Lai Châu đã đưa điện về tới các xã Nậm Hàng và Mường Mô của huyện Mường Tè rồi. Vấn đề ở chỗ, trung tâm huyện lỵ này lại nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu. Để có được hơn 60 km đường dây 35 kV và 0,4 kV, 15 trạm biến áp cấp điện cho gần 2.000 hộ đồng bào dân tộc ở các xã Nậm Khao, Cam Hồ, Bum Tở và trung tâm huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu, ngành Điện đã phải đầu tư hơn 30 tỷ đồng, vận chuyển thiết bị và thi công trên địa bàn hết sức hiểm trở, không chỉ dốc núi cheo leo, mà nhiều nơi mưa chưa to đã… ngập.

Hệ thống lưới điện hạ áp trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Tuấn

Đến giữa năm 2013, ngành Điện đã đưa được điện lưới quốc gia về tới các bản của xã Mường Tè (huyện Mường Tè). Cùng chung niềm vui khi được đón dòng điện sáng, chất lượng ổn định, không phải dùng điện từ các nguồn thủy điện nhỏ và cực nhỏ tự chế, ông Lý Văn Phón - Chủ tịch UBND xã Mường Tè, huyện Mường Tè cho biết: Đây là lần đầu tiên bà con trong xã ở các bản Nậm Hẳn, bản Giẳng và khu vực trung tâm của xã được sử dụng điện lưới. Điện về bản, ngoài dùng để thắp sáng, nấu ăn, giúp các em học sinh có điều kiện học hành tốt hơn, chính quyền và nhân dân xã Mường Tè sẽ có điều kiện để đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Chương còn mừng hơn khi từ 19/6/2013, không chỉ có 45% số hộ dân xã Mường Tè được sử dụng điện lưới quốc gia, mà điểm đặc biệt chính là việc cấp điện cho hơn 8.500 hộ dân ở 20 xã nghèo thuộc 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu, thực hiện theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đây cũng là điều kiện để Lai Châu đạt mục tiêu đưa 100% số xã và trên 90% số hộ dân có điện vào năm 2015.

Không chỉ riêng các hộ dân nghèo của các tỉnh miền núi phía Bắc, mà các hộ dân là đồng bào Khmer (chủ yếu là các hộ chưa có điện) tại các tỉnh Bạc Liêu; Sóc Trăng; Trà Vinh và Kiên Giang giờ cũng đã được dùng điện lưới quốc gia. Ông Nguyễn Thành Duy, Tổng giám đốc – Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết: “Dự án Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer, tại các tỉnh Bạc Liêu; Sóc Trăng; Trà Vinh và Kiên Giang nhằm mục đích góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân, đặc biệt là đồng bào Khmer”.

Hướng đến cấp điện cho các vùng biển đảo

Năm 1991, Công ty Điện lực Hải Phòng chính thức đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cát Hải. Năm 1998, đưa điện ra đảo Cát Bà. Kể từ khi có điện, đời sống người dân dần được ổn định, đồng thời dịch vụ du lịch, sản xuất của huyện đảo ngày càng được mở rộng và nâng cao. Sản lượng điện hằng năm tăng liên tục khoảng 9%.

Nhưng có lẽ, điểm nhấn đáng ghi nhận và vô cùng ấn tượng, đó là việc mạnh dạn đầu tư công nghệ rải cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô và đóng điện vận hành thành công từ tháng 10/2013.

Việc đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô, huyện đảo cách đất liền gần 55 km đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành Điện lực Việt Nam bởi đây là công trình đầu tiên mà những người công nhân điện lực hiện thực hóa thành công việc kết nối lưới điện quốc gia từ đất liền qua hàng chục cây số đường biển đến với bà con nhân dân đảo xa. Ngành Điện đã áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thi công kéo đường dây trên không giữa các đảo bằng kinh khí cầu, rải cáp ngầm dưới đáy biển bằng thiết bị và công nghệ mới nhất như: Đào rãnh cáp ngầm đáy biển ở những tầng đá gốc bằng thiết bị máy cắt đá, phương pháp cày thủy lực cao áp ở phần lớn các tuyến cáp dưới đáy biển, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và vật tư thiết bị ở độ sâu trung bình 30 mét.

Công trình đã được thi công với khoảng thời gian kỷ lục, hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo an toàn và chất lượng, tuân thủ đúng thiết kế kỹ thuật được phê duyệt và đã đóng điện thành công. Cái được lớn nhất ở công trình này, theo ông Phạm Minh Chính - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đó là việc rút ngắn khoảng cách giữa biển đảo với đất liền, việc nối lưới điện quốc gia từ đất liền với đảo sẽ chấm dứt cảnh phải cấp điện rất hạn chế bằng dầu diezel với công suất chỉ khoảng 2.500 kW, trong khi nhu cầu phụ tải của đảo Cô Tô đến năm 2015 là khoảng 10.000 kW và đến 2020 vào khoảng 14.000 kW.

Nối tiếp niềm vui với người dân trên huyện đảo Cô Tô, kể từ ngày 2/2/2014 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán Giáp Ngọ), người dân trên huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cũng đã chính thức được tiếp nhận nguồn điện lưới quốc gia, từ Dự án Tuyến cáp điện ngầm 110 kV dài gần 60 km xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc.

Phó Chủ tịch xã Gành Dầu - Lê Phong Nhã cho biết, rất nhiều nhà đầu tư đã đón đầu cơ hội có điện lưới quốc gia để phát triển kinh tế trên vùng đất được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi này.

Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng hoàn thành Dự án Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bằng cáp ngầm 22 kV. Đón Tết Nguyên đán Ất Mùi (2015), hơn hai vạn dân trên huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn sẽ không còn cảnh “khát điện” nữa.

Điện về nông thôn là một yếu tố quan trọng, không thể thiếu được trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn nước ta và đã được EVN thực hiện theo từng bước phù hợp với mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước. Kinh nghiệm về công cuộc điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu và học hỏi.

Đặc biệt, năm 2014, giá bán lẻ điện cho các hộ sử dụng ngoài biển đảo đã đồng nhất với giá bán lẻ điện cho các hộ trên đất liền. ở thành phố, suất đầu tư cấp điện đến từng hộ dân có thể thấp hơn các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Hiện các khu vực khó khăn này vẫn đang còn phải sử dụng các nguồn năng lượng đắt tiền như điện gió, năng lượng mặt trời, hay điện chạy dầu diezel... Đó không chỉ đơn giản là nỗ lực bằng những mệnh lệnh hành chính, mà còn là một quyết sách mang tính nhân văn, tất yếu.

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã khẳng định: “Để có được con số về tỷ lệ đưa điện về nông thôn với trên 97,62% hộ gia đình có điện là một câu chuyện rất hấp dẫn. Nó không chỉ là câu chuyện về chính sách và thể chế, về tài chính hay giá điện..."


Nguồn: Ấn phẩm Điện lực VN - 60 năm: Thắp sáng niềm tin

Share