Vận hành hệ thống điện các tháng cuối năm: Còn nhiều thách thức

Nhu cầu tiêu thụ điện trong những tháng cuối năm 2019 được dự báo tiếp tục tăng (khoảng 10% so với cùng kỳ), nhưng nguồn nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện lại đang gặp khó.

Khó khăn bủa vây...

Theo quy luật, tháng 7 là giữa mùa lũ chính vụ. Tuy nhiên, năm nay, đến cuối tháng 7, nhiều hồ thủy điện vẫn ở gần mực nước chết. Cụ thể, tính đến 31/7, có  9/57 hồ chứa tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã ở mực nước chết. Tại miền Bắc, ngoại trừ hồ Bản Chát, Tuyên Quang có lưu lượng nước về đạt mức TBNN, các hồ khác đều có nước về rất thấp. Lưu lượng nước về trên sông Đà cũng đạt thấp. Trong bối cảnh đó, bên cạnh nhiệm vụ phát điện, các hồ thủy điện vẫn phải ưu tiên phục vụ nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, đảm bảo nước sinh hoạt và chống xâm nhập mặn...

Trong khi đó, vấn đề đảm bảo đủ than cho phát điện cũng tiếp tục là một thách thức không nhỏ đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thực tế trong 6 tháng đầu năm 2019, đã từng xảy ra tình trạng nhà máy điện nhiệt điện phải dừng hoặc giảm công suất phát do thiếu than. Bên cạnh đó, nguồn khí Đông Nam bộ và Tây Nam bộ cũng đã suy giảm. Từ tháng 10/2019, khối lượng khí PM3 dự kiến sẽ giảm còn một nửa so với hiện nay. Việc giải tỏa công suất nguồn năng lượng gió, mặt trời chưa thể tháo gỡ khó khăn ngay trong năm 2019 cũng ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn điện gió, điện mặt trời vừa được bổ sung.

Trong khi nguồn điện không có dự phòng, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao, EVN dự kiến sẽ phải tiếp tục huy động nguồn điện chạy dầu giá cao trong 6 tháng cuối năm nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang ở mực nước chết

Cần sự vào cuộc quyết liệt 

Trước những khó khăn nguồn nhiên liệu cho phát điện, đầu tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu than cho sản xuất điện và phải ưu tiên nguồn nhiên liệu khí cho sản xuất điện, nhất là trong những thời điểm khó khăn về cung ứng điện... 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc phải cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo cam kết; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải tính toán, ưu tiên nguồn nhiên liệu khí cho sản xuất điện, nhất là tại thời điểm khó khăn về cung ứng điện...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng yêu cầu các tổng công ty phát điện phải chủ động làm việc với các đối tác, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất điện. Đồng thời, EVN sẽ tăng cường mua điện từ các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào); đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án giải tỏa công suất và các dự án nguồn do EVN làm chủ đầu tư... Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc EVN tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khách hàng tham gia Chương trình điều chỉnh phụ tải điện, giảm công suất đỉnh của hệ thống điện. Đặc biệt, các tổng công ty điện lực cần tiếp tục vận động khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả... 

Tính đến ngày 31/7/2019:

- Tổng lượng nước thiếu hụt tại các hồ chứa thủy điện so với mực nước dâng bình thường là 28,7 tỷ m3, tương ứng sản lượng điện 12,17 tỷ kWh. 

- So với cùng kỳ năm 2018, thể tích nước trong các hồ thủy điện thấp hơn 10,3 tỷ m3, tương ứng với sản lượng điện 4,78 tỷ kWh.


  • 11/09/2019 09:40
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 7387